VIETMEC cũng vừa chính thức trở thành công ty đại chúng sau khi chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 5/2022. Trong giai đoạn thị trường chứng khoán trong nước và thế giới có nhiều biến động khá tiêu cực thì VIETMEC vẫn chào bán thành công 8,65 triệu cổ phiếu với giá 18.000 đồng/cổ phiếu với lượng đăng ký mua là 47,2 triệu và gấp 5,5 lần lượng cổ phiếu chào bán.
Đại diện đơn vị cho biết, sức hút đến với cổ phiếu VIETMEC có thể đến từ chiến lược phát triển bền vững và kết quả của sự tăng trưởng ổn định từ giai đoạn 2018 đến nay.
Cuối năm 2018, VIETMEC đã xây dựng nhà máy sản xuất với các dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP – WHO và GMP-HS do Bộ Y tế Việt Nam cấp. Nhà máy đặt tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - nơi giao thoa giữa các vùng dược liệu phong phú của các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Hiện công ty có các dây chuyền sản xuất chính như dây chuyền sản xuất viên nang cứng, viên nén bao phim, thuốc nước, nang mềm, cao, cốm và vị thuốc y học cổ truyền. Từ nguồn dược liệu được chọn lọc chất lượng cao, VIETMEC đã chiết xuất thành công các sản phẩm bột cao (dạng khô, đặc, lỏng) vẫn giữ nguyên hoạt chất quý giá từ nguồn dược liệu gốc, đảm bảo chuẩn hóa các tiêu chuẩn.
Với chiến lược phát triển bền vững, VIETMEC tập trung triển khai mở rộng các vùng trồng dược liệu với quy mô lớn từ Bắc vào Nam, đặc biệt tập trung tại các tỉnh có nguồn tài nguyên đất đai phù hợp như Phú Thọ, Lào Cai, Ba Vì (Hà Nội), Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng...
Các vùng nguyên liệu được canh tác theo tiêu chuẩn GACP – WHO nhằm ổn định chất lượng dược liệu, dùng cho sản xuất thuốc và tự chủ về nguồn cung dược liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu không ổn định cả về chất lượng và sản lượng.
Tăng trưởng ổn định
Cùng quá trình đầu tư nhà máy và phát triển vùng nguyên liệu, vốn điều lệ của VIETMEC cũng liên tục tăng từ con số 50 tỷ đồng năm 2018 lên 356,5 tỷ đồng như hiện nay. Tổng tài sản của doanh nghiệp dược liệu này cũng theo đó được mở rộng gấp đôi sau 3 năm lên hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Kết quả kinh doanh của VIETMEC tương đối khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá cao qua từng năm. Ngay trước thềm niêm yết, VIETMEC ghi nhận doanh thu kỷ lục từ trước đến nay - 1.049 tỷ đồng năm 2021, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu về lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm trước.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm tăng trưởng với tốc độ 2 con số kể từ khi nhà máy GMP-WHO được đưa vào hoạt động. Hiện nay công ty vẫn tiếp tục hoàn thiện lắp đặt, chạy thử, đưa vào khai thác dây chuyền sản xuất viên đặt và dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư theo kế hoạch đã đề ra.
Năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước còn có nhiều khó khăn do biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế, nhưng hội đồng quản trị công ty vẫn tự tin đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng so với năm 2021 với doanh thu trên 1.119 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 65 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của VIETMEC trong 4 năm qua (Ảnh: VIETMEC). |
SSI Research cho rằng kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 do nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại.
Tăng trưởng doanh thu toàn ngành tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.
Việc Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam (mã DVM) chào sàn sẽ góp phần làm phong phú khẩu vị của các nhà đầu tư với triển vọng tươi sáng của ngành dược và là cổ phiếu hấp dẫn trong giai đoạn đầy biến động thách thức như hiện nay.