Năm 2022, Ladophar ghi nhận doanh thu 187,4 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế âm 38,9 tỷ đồng, giảm 196% so với năm trước đó.
Có một số nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ lớn trong năm 2022. Thứ nhất, hoạt động sản xuất chịu lỗ bởi sản lượng thực tế không đủ bù đắp các khoản chi phí chung.
Thứ hai, khoản lỗ từ hoạt động đầu tư tăng mạnh 117%, tương ứng mức tăng 78,9 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, khoản đầu tư chứng khoán giảm mạnh khiến lỗ tăng lên hơn 6,7 tỷ đồng, đồng thời phát sinh lãi trái phiếu gần 5 tỷ đồng từ việc huy động nguồn vốn trái phiếu cho việc mở rộng nhà máy và sản xuất kinh doanh. Các hoạt động của công ty con chưa hiệu quả, doanh thu chưa phát sinh trong khi vẫn cần chi phí duy trì hoạt động.
Tựu chung, khoản lỗ từ hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, dẫn tới tổng lỗ của Công ty gần 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản lỗ khác bao gồm lỗ trong các hoạt động đầu tư thương hiệu (lỗ 8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21%); lỗ trong hoạt động kinh doanh chính (chiếm tỷ trọng 26%, tương ứng mức lỗ 10,1 tỷ đồng)…
Những khó khăn được Công ty chỉ ra khiến hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống bao gồm việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất dược phẩm, hàng hoá thiết bị y tế… làm gì tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Công ty qua các thị trường Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ - vốn là thị trường chủ lực.
Ngoài ra, với hoạt động kinh doanh dược phẩm, cạnh tranh về giá đấu thầu thuốc ngày càng gay gắt, thị phần bị phân mảnh với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong nước có dây chuyển sản xuất đạt GMP-WHO.
Lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, việc chưa thích nghi với tình hình thị trường mới thay đổi, chưa có giải pháp kịp thời, hữu hiệu về chính sách, cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương thức kinh doanh… cũng là lý do dẫn tới hoạt động của Ladophar suy giảm.
Dù vậy, 2022 cũng không phải năm đầu Ladophar thua lỗ. Thực tế, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty khá bết bát trong thời gian dài.
Trước khi cổ đông nhà nước thoái vốn tại Ladophar, lợi nhuận của Công ty duy trì ổn định ở mức thấp. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, Công ty liên tục thua lỗ. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm 25,9 tỷ đồng - đây cũng là lý do mà cổ phiếu LDP bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 2/4/2021.
Tình hình kinh doanh năm 2021 của Ladophar cũng không khả quan hơn khi báo lỗ 7,45 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Lỗ lũy kế của LDP tính đến 30/9/2021 là gần 42 tỷ đồng.
Thời điểm duy nhất lợi nhuận đột phá là vào quý IV/2021, sau khi Louis Group tham gia điều hành LDP, Công ty đã đạt lãi ròng hơn 55 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 6 quý liên tiếp thua lỗ trước đó. Với kết quả lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Ladophar tại ngày 31/12/2021 là số dương, Ladophar được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra khỏi diện bị cảnh báo kể từ ngày 22/3/2022.
Diễn biến lợi nhuận của LDP qua các quý gần đây |
Đặt kế hoạch cho năm 2023, Ladophar cho biết, tổng doanh thu ước đạt 287 tỷ đồng, tương ứng tăng 53%. Lợi nhuận gộp 64,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 76% so với thực hiện năm 2022. Dù vậy, Công ty không đặt mục tiêu có lợi nhuận trước thuế.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 21/3 tới đây tại TP. Đà Lạt, Ladophar sẽ trình cổ đông phê duyệt việc vay vốn ngân hàng để bổ sung cho hoạt động sản xuất – kinh doanh với hạn mức 150 tỷ đồng; vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng và các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như các tổ chức tài chính khác để thực hiện đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy, hạn mức 90 tỷ đồng.
Diễn biến giá LDP kể từ khi lên sàn tới nay |
Cổ phiếu LDP từng có chuỗi tăng chóng mặt với 11 phiên trần liên tiếp. Nguyên nhân xuất phát từ việc xuất hiện nhóm Louis Holdings.