Được khoanh, giãn, xoá nợ vay ngân hàng khi thực hiện cổ phần hoá

(ĐTCK) Khi nhận được thông báo hoặc quyết định cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, DN 100% vốn nhà nước phải kiểm kê, phân loại tài sản đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị DN theo quy định tại Thông tư 106/2008/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Cụ thể, đối với tài sản thừa hoặc thiếu trong kiểm kê, DN phải phân tích làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường trách nhiệm vật chất theo quy định hiện hành. Giá trị tài sản thiếu sau khi trừ các khoản bồi thường được ghi nhận vào giá vốn hàng bán đối với vật tư, hàng hoá thiếu và ghi nhận vào chi phí khác đối với giá trị còn lại của tài sản cố định.

Cũng theo thông tư này, việc xử lý nợ các khoản nợ phải thu khó đòi trước khi xác định giá trị DN  để chuyển thành công ty cổ phần phải có đủ căn cứ chứng minh theo quy định là không có khả năng thu hồi được và các chứng từ có liên quan như quyết định xóa nợ, quyết định xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải bồi thường và phải ghi rõ khoản tổ chức, cá nhân phải bồi thường; khoản dự phòng phải thu khó đòi đã lập dự phòng và khoản chi phí quản lý DN được tính vào chi phí.

Trường hợp khoản phải thu quá hạn đã lập dự phòng phải thu khó đòi nhưng số đã lập dự phòng không đủ bù đắp tổn thất khi bán nợ thì số tổn thất còn lại được hạch toán vào chi phí quản lý DN. Đối với các khoản nợ vay ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn nhưng do DN bị lỗ, không còn vốn nhà nước, không thanh toán được, DN phải làm thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi.

Đối với khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ cán bộ công nhân viên, DN phải có trách nhiệm thanh toán dứt điểm trước khi cổ phần hóa để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn sẽ được hạch toán tăng vốn nhà nước.