Ảnh Internet

Ảnh Internet

Dược Hậu Giang (DHG): Lời giải nào cho bài toán tăng trưởng?

(ĐTCK) Kết thúc nửa đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gia tăng, doanh thu tăng trưởng chậm lại, biên lợi nhuận suy giảm, việc Taisho trở thành cổ đông chi phối từ quý II/2019 được kỳ vọng giúp DHG lấy lại đà tăng trưởng.

Giải mã lợi nhuận quý II

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của DHG vừa công bố đã đem đến thông tin tích cực hơn khi lợi nhuận sau thuế lấy lại mức tăng trưởng 24,7% so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của DHG cho biết, trong quý II/2019, doanh thu thuần đạt 975,8 tỷ đồng, tăng 4,6%, trong khi giá vốn tăng thấp hơn, ở mức 6,7%, đã giúp lợi nhuận gộp đạt 445 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2018.

Ngoài lợi nhuận gộp, doanh thu tài chính của DHG cũng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 4,1 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là phần lãi từ số dư tiền gửi lên đến 1.861,5 tỷ đồng, tăng 222 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng được tiết giảm đáng kể nhờ giảm chi phí nhân viên và chi phí quảng cáo.

Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 26,6% so với cùng kỳ 2018, đạt 87,1 tỷ đồng do thay đổi cách hạch toán theo Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2018, chuyển 7% trích Quỹ khen thưởng phúc lợi sang ghi nhận chi phí Công ty, khiến lợi nhuận của DHG thu về đạt 190,3 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2018. Nếu loại trừ yếu tố này, lợi nhuận quý II/2019 của DHG tăng 8,1% so với cùng kỳ 2018. 

Lợi nhuận trước thuế không tăng, nhưng việc không còn khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại lên đến 25,9 tỷ đồng như quý II/2018 đã giúp lợi nhuận sau thuế của DHG tăng trưởng mạnh 24,7%.  Nguyên nhân do quý II/2018, Công ty phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do sáp nhập Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG và Công ty TNHH MTV bao bì DHG 1 vào DHG (việc này chỉ phát sinh 1 lần khi sáp nhập Công ty).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DHG đạt 1.743 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ 2018 do mất doanh thu phân phối hàng MSD và Eugica. Ðiều này làm lợi nhuận 6 tháng giảm nhẹ 0,05% so với cùng kỳ 2018.  Như vậy, DHG đã hoàn thành 44,2% kế hoạch doanh thu và 48,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Dược Hậu Giang (DHG): Lời giải nào cho bài toán tăng trưởng? ảnh 1

Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của dhg chững lại trong 3 năm trở lại đây.

Kỳ vọng Taisho giúp DHG lấy lại đà tăng trưởng

Trên thị trường, sau giai đoạn thị giá tăng hơn 60% từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019 khi Taisho tiến hành chào mua công khai cổ phiếu DHG, trong khoảng 4 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu đã trở lại xu hướng giảm. Tuy nhiên, lời giải cho xu hướng thị giá của DHG được kỳ vọng sẽ đến từ khả năng phục hồi tăng trưởng khi có thêm “đôi cánh” của Tập đoàn Taisho.

Năm 2016, cú bắt tay hợp tác chiến lược giữa Dược Hậu Giang - Công ty dược nội địa lớn nhất Việt Nam với Taisho - Top 5 tập đoàn dược mạnh nhất Nhật Bản - từng gây rúng động giới đầu tư. Hai năm sau, DHG lại lần nữa khiến giới chuyên môn bất ngờ, khi Taisho đăng ký chào mua thêm cổ phiếu với giá cao nhằm nâng tỷ lệ vốn sở hữu trên 50%.

Là một tập đoàn dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, có mô hình hoạt động khá giống với DHG khi chiếm thị phần lớn về thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc), mạnh về các sản phẩm thực phẩm chức năng…, việc Taisho từng bước tham gia vào quản lý, điều hành đang được kỳ vọng sẽ hỗ trợ DHG chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, gia tăng khả năng xuất khẩu..., qua đó sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh chính chịu nhiều sức ép cạnh tranh.

Việc tận dụng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản phẩm của Taisho sẽ giúp DHG “đi tắt đón đầu” tại thị trường trong nước, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng thuốc chất lượng với giá hợp lý. Hiện tại, chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người của Việt Nam còn ở mức thấp (chiến 1,9%), chủ yếu do mức giá thuốc nhập khẩu tương đối cao.

Tin bài liên quan