Được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá

Được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá

(ĐTCK) Theo cơ chế mới sắp có hiệu lực, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá.

Cơ chế giá tương tự bao giờ được áp dụng với các DN niêm yết khi phát hành tăng vốn?

Trao quyền cho SCIC

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này, sau khi đã bán vốn Nhà nước tại khoảng 600 DN, SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại trên 350 DN cổ phần. Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2015, SCIC chỉ nắm giữ vốn tại khoảng 100 DN.

Trong số các DN mà SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, có không ít DN thuộc danh mục Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, nên theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, SCIC phải tiến hành thoái vốn theo hướng có lợi nhất cho Nhà nước.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong số các DN mà SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, có không ít đơn vị kinh doanh thua lỗ kéo dài, khả năng phát triển kém, nên với cơ chế hiện hành, SCIC bế tắc trong triển khai thoái vốn theo hướng bảo toàn phần vốn Nhà nước, mà lâu nay được hiểu là không được thoái vốn dưới mệnh giá.

Thực tế này là một nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu DNNN, trong đó có cổ phần hóa khối DN này đang diễn ra chậm.

Được bán vốn nhà nước dưới mệnh giá ảnh 1

SCIC hiện đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại trên 350 DN cổ phần

Để khắc phục tình trạng trên, một điểm mới về cơ chế bán vốn Nhà nước đã định hình tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, có hiệu lực từ ngày 20/12/2013.

Theo đó, đối với các DN sản xuất - kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai, nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá, thì SCIC được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá, để đấu giá bán, nhằm thu hồi tối đa phần vốn Nhà nước đã đầu tư tại DN…

Với cơ chế thoáng là được thoái vốn Nhà nước dưới mệnh giá, sắp tới sẽ tạo điều kiện cho SCIC dễ dàng hơn trong thoái vốn Nhà nước tại các DN làm ăn thua lỗ, mà nếu không thoái vốn sớm, nguy cơ mất vốn Nhà nước càng lớn.

Liên quan đến mở ra cơ chế cho phép thoái vốn Nhà nước dưới mệnh giá, để giải tỏa bế tắc cho các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, cũng đưa ra cơ chế tương tự.

Theo đó, trường hợp giá chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DN dự kiến thu được sát với giá thị trường, nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của DN, nếu DN đã thực hiện trích lập dự phòng và khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá bán dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán, thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty quyết định chuyển nhượng để thu hồi vốn đầu tư ra ngoài DN.

Nếu khoản trích lập dự phòng của DN vẫn thấp hơn chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được sát với giá thị trường, thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trước khi thực hiện chuyển nhượng...

Với cơ chế thoái vốn Nhà nước dưới mệnh giá đã được “bật đèn xanh”, giới đầu tư kỳ vọng, tình trạng bế tắc trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ sớm được giải tỏa, góp phần dần làm lành mạnh hóa hệ thống DNNN.

 

Phát hành dưới mệnh giá, bao giờ?

Nghị định 151/2013 đã giải tỏa nút thắt trong thoái vốn Nhà nước mà SCIC lâu nay phải đối mặt. Câu hỏi đặt ra là, ý tưởng cho phép DN niêm yết được phát hành cổ phần dưới mệnh giá để tăng vốn đã có từ lâu, nhưng bao giờ có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này?

Từ cơ chế SCIC được bán vốn Nhà nước dưới mệnh giá cho thấy, cơ chế thị trường đã được tôn trọng. Vậy việc suốt thời gian dài chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế cho phép DN niêm yết được phát hành dưới mệnh giá, có phải là chưa xem xét thỏa đáng nhu cầu thực tế của DN, cũng như chưa tuân thủ luật chơi của thị trường?

Một trong những lợi ích, cũng như động lực lớn nhất khi DN quyết định đặt chân lên sàn chứng khoán là huy động được vốn. Thế nhưng, diễn biến bất lợi của TTCK, con đường tìm vốn của nhiều DN đang gần như rơi vào ngũ cụt. Việc bế tắc trong tìm vốn qua TTCK có mối liên hệ nào với tình trạng 9 tháng đầu năm nay, số DN niêm yết mới ít hơn số DN rời sàn?

Diễn biến từ thị trường cho thấy, nhu cầu phát hành cổ phần dưới mệnh giá từ phía các DN là khá lớn và chính đáng. Lãnh đạo một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội cho biết, nếu tính theo giá trị sổ sách, cổ phiếu của Công ty ở mức trên mệnh giá, nhưng do bối cảnh vĩ mô và TTCK tác động không tích cực, nên thị giá cổ phiếu thường xuyên nằm dưới mệnh giá.

Điều này đã cản trở kế hoạch tăng vốn của Công ty trong suốt 2 năm nay, các phương án kinh doanh rơi vào đình trệ vô thời hạn. Theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý trao quyền phát hành dưới mệnh giá để tăng vốn cho DN. Điều này xuất phát từ thực tế DN là thuộc sở hữu của các cổ đông, nên việc phát hành với giá và khối lượng bao nhiêu là do ĐHCĐ quyết định.

Không chỉ các DN mà bản thân các nhà đầu tư cũng tỏ ý sẵn sàng tham gia các đợt phát hành dưới mệnh giá của DN. Hiện là cổ đông lớn của nhiều DN niêm yết như HBC, APS…, ông Harianto Solichin, Chủ tịch của Nikko Securities Indonesia, có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho hay, với cơ hội đầu tư hấp dẫn mà nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy, họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam thông qua việc tham gia các đợt phát hành dưới mệnh giá. Cơ chế này không chỉ mang lại lợi ích cho DN, mà còn cho chính các cổ đông…

Điều này được chứng minh tại các TTCK Indonesia và Thái Lan, khi từ năm 1998 - 2000, hàng hoạt chứng khoán của khối ngân hàng đã hồi sinh nhờ được tái cấp vốn dưới mệnh giá, qua đó không chỉ bảo toàn mà còn gia tăng lợi ích cho các cổ đông…

Trong định hướng xây dựng cơ chế, chính sách quý IV/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết sẽ tiếp tục đề xuất việc cho phép DN được phát hành dưới mệnh giá, nhằm tạo điều kiện cho DN trong huy động vốn, miễn là DN phải bảo đảm góp đúng, góp đủ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp…

Thị trường kỳ vọng, nỗ lực này của UBCK sớm nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành hữu quan và cấp cao hơn, để sớm có cơ chế chính thức cho phép các DN niêm yết được phát hành dưới mệnh giá. Qua đó, hỗ trợ DN dần thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại, góp phần cải thiện “sức khỏe” cho các DN và TTCK.    

>> Thoái vốn ngoài ngành, phải chấp nhận… trả giá

>> Cho thoái vốn lỗ “sếp” bị trừ lương!?

>>SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý

>>Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC

>>SCIC được thành lập CTCK, quỹ đầu tư

>>SCIC với nguy cơ "lệch pha" trên TTCK

>> Thoái vốn dưới mệnh giá, đèn xanh “một nửa”!

>> Yêu cầu DNNN khẩn trương thoái vốn ngoài ngành

>> Thoái vốn ngoài ngành, sắp có giải pháp mới