Hãy nhìn vào thị trường Trung Quốc, khi hầu như các giao dịch thanh toán hàng ngày của người dân đều được diễn ra bằng QR Code thông qua dịch vụ của Alipay và Wechatpay.
Quá trình tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ khi lệnh cấm không phát hành tiền mặt mệnh giá lớn đã thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt thông qua PayTM, một công ty Fintech.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai ví dụ tiêu biểu cho đóng góp của Fintech đối với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến toàn dân, từ một người bán rau ngoài chợ hay một người ăn mày đều dùng thanh toán điện tử, một sự thần kỳ mà các phương tiện thanh toán truyền thống mất hàng thập kỷ không thực hiện được.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo
Việc xây dựng một hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt giúp minh bạch các giao dịch, gia tăng quá trình lưu thông tiền tệ và giảm chi phí cho các hoạt động kinh doanh. Ngay cả ở Singapore, một nước có dịch vụ ngân hàng tài chính rất phát triển, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn đề cập về việc Singapore cần thiết phải xây dựng một hệ thống thanh toán mới, đồng nhất và đáp ứng các nhu cầu của một xã hội hiện đại.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là chính phủ, quốc gia phải nhìn nhận rằng, thanh toán không tiền mặt phải là đích đến tiếp theo của một xã hội văn minh. Điều này đồng nghĩa với việc nhìn nhận Fintech phải hoạt động như là một công cụ của chính phủ, góp phần gây ảnh hưởng một cách hệ thống đến sự phát triển của xã hội và giúp chính phủ đẩy mạnh quá trình thực thi điều đó. Nếu chúng ta coi đó là chính sách quốc gia, thì cần phải có ứng xử phù hợp, ưu đãi Fintech phát triển. Để có điều này, cần phải có sự hợp tác đến từ nhiều phía: Chính quyền, các tổ chức tài chính và công ty Fintech.
Những doanh nghiệp Fintech như MoMo thật sự vui mừng vì khi Thủ tướng chính phủ đã có nghị định thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đơn vị quản lý trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech để xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển và khung pháp lý để các dịch vụ có thể phát triển.
Chúng tôi luôn mong mỏi nhà nước sớm ban hành và điều chỉnh khung pháp lý và các chính sách phù hợp để các công ty Fintech có một sân chơi, một “sandbox” để có thể nhanh chóng triển khai các dịch vụ tài chính liên quan.
Trong thời gian gần đây, sau những nỗ lực không ngừng của các công ty Fintech, ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam đã có một cái nhìn tích cực hơn, không coi Fintech như một kẻ phá bĩnh, mà là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp thông qua các giải pháp công nghệ.
Trong hợp tác với ngân hàng và các công ty tài chính, MoMo xác định chúng tôi là con rạch nhỏ và ngân hàng là những dòng sông lớn. MoMo giúp mang “nước” của các dòng sông là các dịch vụ tài chính đến cho khách hàng thông qua các luồng lạch của mình.
Đây chính là quá trình cải tiến kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Chỉ với một ứng dụng trên điện thoại di động, chúng tôi có thể cung cấp gần 500 loại hình dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, một yếu tố mà các Fintech như MoMo thấy rằng vô cùng trọng yếu đó là cách nhìn nhận của người tiêu dùng, của các bên tham gia vào hệ sinh thái, cũng như ngân hàng đều hướng đến một xã hội không tiền mặt. Điều này càng nhanh chóng thay đổi càng giúp chúng ta đến gần một xã hội hiện đại, tiện lợi và mang lại cuộc sống thông minh cho người dân.