Đừng trả tiền khi thương vụ M&A không được đảm bảo

Đừng trả tiền khi thương vụ M&A không được đảm bảo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) M&A là phương thức ngày càng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng để hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ cũng như mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động.

Doanh nghiệp Việt ngày càng “kết” M&A

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le chia sẻ: “M&A không chỉ giúp Masan mở rộng quy mô, mà còn mở rộng lĩnh vực hoạt động. Năm 2019-2020, vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước".

Khởi đầu ở ngành hàng gia vị, Masan đã nhanh chóng mở rộng sang ngành hàng tiêu dùng nhanh như mì gói, thức uống, thực phẩm chế biến bằng M&A.

Mới đây nhất, tháng 2/2020, Masan HPC - một công ty thành viên do Masan sở hữu 100% vốn - đã mua thành công 52% cổ phần của Công ty cổ phần Bột giặt Net (NETCO), chính thức “lấn sân” mảng chăm sóc cá nhân và gia đình - thị trường có giá trị khoảng 3,1 tỷ USD.

Ông Danny Lê cho biết, tham vọng của Masan là muốn đại diện cho Việt Nam về các lĩnh vực này để phát triển ra thế giới và chiến lược M&A này không chỉ thực hiện ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường khác.

Không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã sử dụng M&A để khai thác thị trường bên ngoài lãnh thổ.

Không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã sử dụng M&A để khai thác thị trường bên ngoài lãnh thổ. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp tiên phong tiến ra nước ngoài, đã mua lại Beeline ở Campuchia thông qua công ty con Metfone.

FPT cũng nổi danh với thương vụ đình đám mua lại công ty công nghệ Đức, RWE IT Slovakia với 200 nhân sự địa phương, sau đó là Công ty tư vấn Mỹ Intellinet Consulting (Mỹ). Đích ngắm tiếp theo của FPT là Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Theo lãnh đạo FPT, Công ty quyết tâm đẩy mạnh M&A ở nước ngoài vì đây là đường tắt để bắt kịp xu hướng công nghệ mới và thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa của Công ty.

Thị trường nước ngoài hiện đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu của FPT. Doanh thu ký mới của dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài trong 10 tháng đầu năm đạt 10.944 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 40% cơ cấu doanh thu của toàn FPT.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng rất nổi bật trong chiến lược M&A ở nước ngoài. Vinamilk từng chi ra hàng chục triệu USD để cùng với Angkor Dairy Products lập liên doanh xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Campuchia vào năm 2014 và tiến tới nắm giữ toàn bộ nhà máy này vào năm 2017.

Trước đó, Vinamilk rót vốn, gia tăng đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood Dairy của Mỹ (2013) và Công ty Miraka Limited của New Zealand (năm 2010). Sau 2 năm đầu tư, Driftwood Dairy góp 6,5% doanh thu cho Vinamilk. Riêng nhà máy ở Campuchia cho doanh thu 54 triệu USD vào năm 2017.

Mở rộng thị trường ra thế giới nhằm tăng doanh thu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của Vinamilk. Doanh nghiệp đang tập trung phát triển thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc với tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Trong đó, Campuchia, Philippines là những thị trường tăng trưởng doanh thu tốt nhất.

Riêng thị trường Myanmar và Indonesia, hãng sữa này đang tìm cách mua một vài công ty nội địa để khảo sát thị trường.

Trên tất cả, thị trường xuất khẩu kỳ vọng của Vinamilk là Trung Quốc. Bởi đây là thị trường khá tương đồng với Việt Nam, khi mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người đang tương đối thấp, chỉ đạt 25 kg/năm, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị 220 kg/năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Hiệp định thương mại tự do RCEP vừa được ký kết sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Vinamilk khi xuất khẩu vào thị trường đông dân này.

Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) đã thực hiện M&A 2 doanh nghiệp phân phối vật liệu tại Mỹ để sẵn sàng cho việc thành lập các cứ điểm bán hàng tại đây. Trong kế hoạch đã đặt ra, Hoàng Gia Pha Lê sẽ mua bán, sáp nhập thêm 2 công ty phân phối nữa của Mỹ.

Việc mở rộng hệ thống phân phối tại Mỹ thực hiện ngay sau khi Công nghệ Nhựa Pha Lê liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Gia thành lập Công ty cổ phần Hoàng Gia Pha Lê, đầu tư nhà máy gạch SPC tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Trong lĩnh vực bất động sản, Novaland là bên mua nổi tiếng có khả năng tạo cú huých cho cả một khu vực nơi có dự án mà tập đoàn này mua lại.

“Tuần trước, chúng tôi mới chốt giao dịch dự án quy mô 286 ha ở Đồng Nai, giá trị gần 1 tỷ USD. Đồng thời, chúng tôi cũng phát triển hệ sinh thái du lịch đi kèm để tăng giá trị cho khách hàng”, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland, thông tin tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020.

Ông Phiên khẳng định: “M&A giúp gia tăng hiệu quả tài chính, giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng thị phần, sản phẩm, gia tăng giá trị cộng đồng”.

Những rủi ro cần lường trước

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hoạt động M&A luôn có những thách thức đòi hỏi bên mua phải có đội ngũ chuyên nghiệp cũng như sử dụng tư vấn tin cậy.

Ông Phiên cho biết, thách thức với Novaland trong M&A là vướng hệ thống văn bản pháp quy về bất động sản, là quá trình thực hiện các nghĩa vụ pháp lý cho dự án.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ được tài trợ không quá 5% cho các hoạt động mua bán cổ phiếu.

“Mặc dù quy định này là đúng, nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy từ ngân hàng sang công ty chứng khoán, rồi lại thông qua hoạt động margin ra thị trường chứng khoán, nhưng khi áp chung cho mọi giao dịch, lại gây khó khăn trong thực hiện các thương vụ M&A”.

Nhiều năm “chinh chiến” với các thương vụ M&A, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho rằng, để thương vụ thành công, việc đầu tiên là phải cẩn trọng các vấn đề giấy tờ pháp lý. Sau đó là đồng bộ văn hóa ở các thực thể khác nhau. Kỳ vọng của các bên có thể khác nhau sau M&A, chính vì thế cần có một đội nhóm theo dõi hậu M&A để rà soát lại rủi ro.

Còn ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law cho rằng, hậu M&A, liên quan đến tranh chấp thường phức tạp, chẳng hạn tranh chấp về lao động hay vấn đề tài chính công nợ. Nhiều vấn đề pháp lý trong M&A mặc dù đã thẩm định kỹ lưỡng, nhưng cũng không lường trước hết được 100% vấn đề trong một thương vụ.

Ảnh tác giả

Hậu M&A, sẽ luôn có khoảng trống nhất định để lại cho các bên

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law

Với 10 năm kinh nghiệm ở Việt Nam và đã thực hiện rất nhiều thương vụ M&A, ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty Frasers Property Vietnam khuyên rằng, “đừng trả tiền khi thương vụ không được đảm bảo”.

Định giá là công việc rất quan trọng trong một thương vụ mua – bán doanh nghiệp, nên bên mua cần phải kiên nhẫn, nếu không sẽ gặp rất nhiều rủi ro bởi thực tế nhiều khi không như dự tính.

Tin bài liên quan