Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: NBC News.

Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: NBC News.

Dừng tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, châu Âu đang mắc sai lầm lớn?

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong vòng vài ngày, việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 của do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) sản xuất đã bị dừng lại ở hầu như tất cả các nước Tây Âu.

Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và hơn 10 quốc gia khác đã tạm dừng triển khai tiêm chủng vaccine của AstraZeneca sau khi xuất hiện những lo ngại về việc vaccine này có thể gây ra các trường hợp đông máu.

Quyết định này đã đi ngược lại với khuyến nghị của các cơ quan y tế trên toàn cầu. Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Anh vẫn triển khai tiêm chủng vaccine này. Anh đã tiêm hơn 11 triệu liều và các dữ liệu cho thấy vaccine của AstraZeneca đang làm giảm sự lây nhiễm Covid-19 cũng như số trường hợp phải nhập viện vì căn bệnh này.

Hành động của nhiều chính phủ châu Âu đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên, đồng thời đặt ra vô số câu hỏi. Nhưng thông điệp lan tỏa từ các chuyên gia y tế vẫn là kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh khi xét đến thực tế số trường hợp bị đông máu cực hiếm, trong khi vaccine đã chứng minh hiệu quả làm giảm các ca bệnh.

Phát biểu với CNN, ông Michael Head, chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Southampton cho biết: “Hiện tại, tôi không thấy có bất cứ lý do gì khiến các nước phải dừng tiêm vaccine của AstraZeneca. Tôi thực sự không hiểu được. Vaccine này đang bảo vệ chúng ta chống lại virus SARS-CoV-2 và vì thế cần phải cấp thiết thực hiện việc tiêm phòng. Dừng tiêm vaccine mà không có lý do rõ ràng ở thời điểm này sẽ là một động thái tồi”.

Quan điểm trái chiều trong EU

Liên minh châu Âu đã có quan điểm không nhất quán đối với vaccine của AstraZeneca kể từ khi nó được cấp phép sử dụng trong khối này vào cuối tháng 1/2021.

Trong vài tuần qua, một số nước EU đã giận dữ khiển trách công ty AstraZeneca vì không cung cấp đầy đủ liều lượng theo cam kết hay nghi ngờ hiệu quả của nó đối với những người lớn tuổi; ngăn việc vận chuyển các lô hàng vaccine ra khỏi lục địa và giờ tạm dừng việc tiêm chủng do lo ngại liên quan đến hội chứng đông máu.

Chuyên gia Michael Head nói: “Vaccine của AstraZeneca dường như là mục tiêu của những bất đồng về chính trị, vì những lý do mà tôi không thực sự hiểu được. Trong khi đó, về mặt khoa học, đây là loại vaccine rất tốt, an toàn và hiệu quả”.

Châu Âu hoài nghi về vaccine của AstraZeneca. Ảnh minh họa: AFP.
Châu Âu hoài nghi về vaccine của AstraZeneca. Ảnh minh họa: AFP.

Câu chuyện bắt đầu vào tuần trước khi Đan Mạch tạm dừng tiêm vaccine của AstraZenenca trong hai tuần, trích dẫn một số báo cáo về hiện tượng đông máu ở những người đã được tiêm, trong đó có một trường hợp tử vong.

Na Uy cũng thông báo có 3 trường hợp đông máu, trong đó có 1 trường hợp tử vong được báo cáo vào ngày 15/3. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn chưa được xác nhận liên quan đến vaccine của AstraZenenca.

Kể từ đó, hầu như tất cả các nước ở Tây Âu quyết định dừng tiêm vaccine này, thông báo với người dân rằng đây là biện pháp phòng ngừa, trong khi chờ Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) xem xét vụ việc.

EMA sẽ nhóm họp vào ngày 18/3 để xem xét tình hình. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang phân tích các báo cáo. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều khẳng định rằng hiện không có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa vaccine với hiện tượng động máu. EMA cho biết, lợi ích mà vaccine mang lại lớn hơn nhiều so với các nguy cơ rủi ro.

Dữ liệu cho thấy điều gì?

AstraZeneca nhiều lần khẳng định vaccine ngừa Covid-19 do công ty này sản xuất tương đối an toàn, đồng thời cho biết, sau khi đánh giá kỹ lưỡng 17 triệu người được tiêm vaccine tại EU và Anh, họ nhận thấy không có bằng chứng về mối liên kết giữa vaccine và hiện tượng đông máu.

Theo kết quả nghiên cứu, trong số 17 triệu người được tiêm phòng, chỉ có 15 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và 22 trường hợp bị thuyên tắc phổi - một cục máu đông đã đi vào phổi. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ người bị đông máu xảy ra một cách tự nhiên trong dân số.

Ông Jon Gibbins, giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch và Chuyển hóa tại Đại học Reading cũng cho rằng, số trường hợp bị đông máu được báo cáo tương đối nhỏ và “bức tranh toàn cảnh ở đây là vaccine đang cung cấp mức độ bảo vệ tuyệt vời”.

Đông máu hoặc tụ huyết khối xảy ra vì nhiều lý do khác nhau và hiện tượng này tương đối phổ biến. Ước tính cứ 1.000 người thì có 1 hoặc 2 người mắc căn bệnh này. Theo chuyên gia Jon Gibbins, nguy cơ đông máu gia tăng theo tuổi tác và phục thuộc vào tình trạng sức khỏe. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi xảy ra hiện tượng đông máu ở một số người đã được tiêm vaccine.

“Khi chúng ta tiêm chủng cho hàng triệu người, không thể tránh khỏi việc có những người sẽ xuất hiện tình trạng đông máu. Nhưng điều này không chứng minh vaccine ngừa Covid-19 chính là thủ phạm”.

“Qua quan sát việc tiêm chủng hàng triệu liều vaccine của Astra Zeneca, chúng tôi thấy rằng nguy cơ xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng chỉ chiếm 1/1 triệu”, ông Michael Head nói.

Lời khuyên từ các chuyên gia y tế

Các chuyên gia chuyên gia đều đồng tình rằng khả năng vaccine gây ra các cục máu đông là rất hiếm song không phải không thể, nhưng nó có thể do bất kỳ yếu tố nào khác.

"Chúng có thể không bắt nguồn từ vaccine. Không có cơ chế sinh học rõ ràng nào cho thấy chúng là do vaccine gây ra", ông Head cho biết.

Trước đây, một số loại vaccine đã được chứng minh là gây ra phản ứng phụ hiếm gặp nghiêm trọng. Chẳng hạn một trong số các loại vaccine được sử dụng để ngăn ngừa dịch cúm lợn H1N1 năm 2019 bị phát hiện liên quan đến chứng ngủ rũ (rối loạn giấc ngủ mãn tính, đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá mức vào ban ngày và ngủ gật). Một số ý kiến lo ngại, những người được tiêm vaccine của Astra Zeneca nhiều khả năng dễ bị chứng đông máu hơn những người khác.

Nhưng ngay cả khi phản ứng phụ xảy ra, thì cho đến nay, các dữ liệu đều cho thấy nguy cơ rủi ro là rất thấp và vì vậy không có lý do gì để dừng việc tiêm chủng, chuyên gia Head nhấn mạnh.

“Những người được tiêm phòng, đặc biệt ở châu Âu, chủ yếu là những người lớn tuổi và những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. Những nhóm này nhiều khả năng sẽ có tỷ lệ mắc chứng đông máu cao hơn”, chuyên gia Head nhận xét.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng hơn cả là vaccine cung cấp sự bảo vệ trước Covid-19, căn bệnh có thể gây biến chứng đông máu.

Giáo sư Gibbins nói: “Một điều mà chúng ta hoàn toàn biết rõ là những người mắc Covid-19, đặc biệt là những người bị nặng cần phải nhập viện điều trị, dễ có nguy cơ bị đông máu. Rủi ro lớn nhất đặt ra là khi ta ngừng tiêm vaccine, số người mắc Covid-19 sẽ gia tăng, qua đó tăng nguy cơ họ bị đông máu”.

Giới chuyên gia nhìn chung đều hy vọng các nước châu Âu sớm nối lại việc tiêm phòng vaccine người Covid-19 của AstraZeneca, bởi việc trì hoãn lâu dài có thể gây ra những tác động rất đáng lo ngại.

“Tôi lo lắng về tâm lý do dự tiêm phòng vaccine ở châu Âu”, ông Head nói. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sự lo ngại đó có thể làm chậm tiến trình thoát khỏi đại dịch của thế giới: “Nếu không có đủ số người được bảo vệ thì sẽ không hình thành được miễn dịch cộng đồng và dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp bị mắc Covid-19 hơn mức cần thiết”.

Tin bài liên quan