Báo cáo tổng kết 3 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (2011 - 2013) của Bộ Tài chính cho thấy, đến nay, đã có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, hơn 236.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa, 60.000 hộ tham gia bảo hiểm đối với vật nuôi và hơn 7.400 hộ tham gia bảo hiểm đối với thủy sản. Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng; trong đó, giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi 2.713 tỷ đồng, bảo hiểm thủy sản giá trị bảo hiểm là 2.883 tỷ đồng.
Số tiền bồi thường là 712,9 tỷ đồng, trong khi doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng. Trong tổng số tiền bồi thường thì bồi thường cho bảo hiểm thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ bồi thường ở nghiệp vụ này lên tới hơn 300% .
Thực tế, đối với bảo hiểm thủy sản sau một thời gian thí điểm đã nảy sinh nhiều vấn đề. Theo các doanh nghiệp triển khai sản phẩm này, vấn đề không chỉ về sản phẩm, mà chính sách đối với loại hình bảo hiểm này cũng cần tiếp tục hoàn thiện, bởi sau khi thẩm định, doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận thấy nguy cơ rủi ro quá lớn.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thủy sản cụ thể như con tôm phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và tránh phát sinh dịch bệnh… Đây cũng là cơ sở chính yếu để cấp hợp đồng bảo hiểm và giải quyết bồi thường về sau. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy có những trường hợp nuôi tôm không đúng quy trình kỹ thuật nên đã từ chối cấp hợp đồng bảo hiểm.
Chẳng hạn, theo quy định thì mỗi năm chỉ được nuôi 2 vụ: vụ 1 thả giống từ tháng 1 đến tháng 5, vụ 2 thả giống từ tháng 10 đến tháng 12, nhưng một số hộ nuôi tôm tại khu vực công ty nhận bảo hiểm thả nuôi vụ 2 vào trước tháng 5 (tức trong thời gian thả vụ 1).
Điều này rất nguy hiểm khi mầm mống dịch bệnh vẫn còn, làm tăng rủi ro không chỉ cho chính hộ nuôi tôm đó, mà còn ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm chung.
Thực trạng này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá rủi ro của các công ty bảo hiểm trước khi nhận bảo hiểm.
Bảo hiểm nông nghiệp vốn dĩ là một nghiệp vụ chứa đựng rất nhiều rủi ro vì quy mô sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún, trình độ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của người nông dân còn nhiều hạn chế, phụ thuộc quá lớn vào những yếu tố khó kiểm soát là thời tiết, khí hậu. Nhưng còn một rủi ro khác, theo phản ánh của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vì suy nghĩ “nghĩ đã có bảo hiểm lo” nên không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi thả tôm.
Trao đổi với ĐTCK về thông tin Chính phủ tiếp tục thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, vật nuôi như trâu, bò, nhưng ngừng thí điểm bảo hiểm đối với thủy sản đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, sau một thời gian thí điểm các loại hình bảo hiểm, doanh nghiệp cũng đã có báo cáo các cơ quan chức năng, đặc biệt là tình hình bảo hiểm thủy sản, tỷ lệ tổn thất quá cao.
“Ngoài vấn đề tỷ lệ bồi thường quá cao thì bảo hiểm thủy sản còn có rất nhiều vấn đề khác… Công ty chúng tôi mới triển khai thực tế mấy tháng mà đến nay nhiều vấn đề của một số hợp đồng bảo hiểm thủy sản vẫn còn đang phải tiếp tục giải quyết, vì thế, cần phải dừng lại chương trình này để có thời gian xem xét hoàn chỉnh lại”, vị đại diện trên cho biết.