Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đừng tặng cho nhà đầu tư những… “con vịt giời”

(ĐTCK) Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán là sản phẩm được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, người đọc trong việc thêm căn cứ ra quyết định đầu tư. Thế nhưng, đâu đó trên TTCK vẫn tồn tại loại báo cáo phân tích, định giá mà công ty chứng khoán chỉ dùng để… phát trực tiếp, không đưa ra rộng rãi với chủ đích nghiêng về một bên.

Báo cáo định giá kiểu… trên trời

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra cuối năm 2015, khoảng 200 nhà đầu tư tham dự hội thảo đã được phát tài liệu giới thiệu về một công ty sắp niêm yết (T), trong đó có báo cáo định giá cổ phiếu của công ty này, được thực hiện bởi một công ty chứng khoán lớn.

Trao đổi với các nhà đầu tư có mặt tại cuộc gặp gỡ, bên cạnh vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ thông tin, người ta còn thấy có Tổng giám đốc công ty chứng khoán tư vấn, với những đánh giá rất lạc quan về triển vọng doanh nghiệp.

Theo đó, nhà đầu tư được nghe rằng, với lợi thế là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng kinh doanh mà T đang theo đuổi cùng kinh nghiệm 11 năm hoạt động, cổ phiếu T sẽ là cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư.

Tại báo cáo định giá, công ty chứng khoán cho biết, T có thể đạt mức tăng trưởng CAGR 8,4% trong giai đoạn 2015 - 2020. Lợi nhuận gộp sẽ tăng trưởng nhanh hơn, CAGR đạt 13,6% trong cùng giai đoạn do có sự đóng góp của nhà máy mới.

Với những thông số khả quan này, công ty chứng khoán cho rằng, định giá cổ phiếu T ở gần mức 50.000 đồng, cao hơn 40% so với giá chào sàn dự kiến.

Nhưng thực tế, những dự báo lạc quan ấy không xảy ra với T. Giá đóng cửa ngày chào sàn 36.100 đồng là mức giá cao nhất mà T đạt được kể từ khi niêm yết đến nay. Giá cổ phiếu T giảm dần đều theo thời gian và hiện nay, sau khi tính yếu tố hưởng quyền thì chỉ còn 20% so với giá đóng cửa ngày đầu tiên lên sàn.

Năm 2015 cũng là năm T đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Sang năm 2016, lợi nhuận của T chỉ bằng 3,3% lợi nhuận của năm 2016 và đến năm 2017, 9 tháng đầu năm, Công ty báo lỗ.

Trong kinh doanh, thua lỗ ngoài dự kiến là điều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, câu chuyện công ty chứng khoán có sai sót cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, với câu chuyện của T, nhìn lại quá trình từ năm 2015 đến nay, dường như người trong cuộc có dụng ý.

Ở thời điểm báo cáo phân tích của T được phát cho các nhà đầu tư, trên một số diễn đàn, những người am hiểu tài chính đã đặt dấu hỏi về những "điểm đen” trong cách định giá của công ty chứng khoán, từ cách dự phóng kết quả kinh doanh đến những giả định khác.

Điều thú vị là, hệ thống dữ liệu của công ty chứng khoán tư vấn cho T còn không cập nhật một báo cáo nào về T. Tất cả dường như không hề có một mối liên hệ, chưa từng có một báo cáo định giá như đã phát cho nhà đầu tư tồn tại trên cuộc đời này!

Những báo cáo không bao giờ lên website

Mở kho dữ liệu báo cáo phân tích, định giá của công ty chứng khoán nói trên sẽ thấy, như tồn tại một số loại báo cáo phân tích phục vụ riêng cho các doanh nghiệp, khi chỉ được phát hành… bản cứng, gửi trực tiếp nhà đầu tư khi tham gia buổi gặp gỡ nhà đầu tư của doanh nghiệp niêm yết, mà không được công ty đưa lên website, hoặc hệ thống dữ liệu dành cho khách hàng.

Trong lĩnh vực định giá, điều chỉnh một vài giả định sẽ cho những kết quả định giá có khác biệt rất lớn. Bởi vậy, thay vì ném ra thị trường một bản phân tích “bán linh hồn cho quỷ”, nhà phân tích cần giải thích rõ những giả định của mình là gì và nếu không đạt được các giả định đó thì hệ quả, kịch bản định giá sẽ ra sao

Mới đây, một công ty chứng khoán đã phát hành báo cáo phân tích cho doanh nghiệp H chuẩn bị chào sàn, với mức định giá khiến nhiều chuyên gia phải… hoa mắt, vì định giá quá cao.

Căn cứ đưa ra định giá này là giả định doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng so với lợi nhuận đạt được năm 2017, trong khi năm này, lợi nhuận của H đến từ các yếu tố bất thường. Điểm giống nhau trong các báo cáo về T và H là chỉ được lưu hành trong một phạm vi hẹp, không có trên website công ty chứng khoán.

Phát hành các báo cáo để phục vụ nhu cầu thông tin, thậm chí để làm “vừa lòng khách hàng” không phải là chuyện hiếm trên TTCK, bởi từ lâu, trong gói dịch vụ quan hệ nhà đầu tư (IR) mà một số tổ chức/nhóm tư vấn IR hay thực hiện, đã kèm thêm “thực đơn” là các báo cáo phân tích.

Thế nhưng, người làm báo cáo và người phân phối báo cáo nếu không chân thực và không dung hòa được lợi ích giữa các bên, thì rất dễ dẫn người đọc báo cáo đến những ngộ nhận sai lầm về cơ hội đầu tư, sự mất mát tiền bạc và niềm tin là khó tránh khỏi.

Trong lĩnh vực định giá, điều chỉnh một vài giả định sẽ cho những kết quả định giá có khác biệt rất lớn. Bởi vậy, thay vì ném ra thị trường một bản phân tích “bán linh hồn cho quỷ”, nhà phân tích cần giải thích rõ những giả định của mình là gì và nếu không đạt được các giả định đó thì hệ quả, kịch bản định giá sẽ ra sao.

Cách làm của công ty chứng khoán tư vấn cho T và H như kiểu tư duy mình sẽ lập ra một công ty và sẽ bán cổ phần với giá "10 chấm", vì mình kỳ vọng sẽ làm ra thuốc… trường sinh bất lão trong năm tới! Xin đừng tặng cho những người đã đặt niềm tin vào nhà phân tích/công ty chứng khoán những… con vịt giời.

Tin bài liên quan