Nam giới có xu hướng ít sử dụng công nghệ mới hơn so với nữ giới
Cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 12.000 người ở 11 quốc gia cho thấy, cứ 5 người thì có 4 người (80%) tin rằng, công nghệ giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, nhưng chưa đầy phân nửa (46%) tin nhận diện vân tay có thể thay thế mật khẩu, mặc dù nhận diện vân tay được thừa nhận có độ bảo mật cao hơn ít nhất gấp năm lần và cũng tiện lợi hơn đáng kể so với mật khẩu kiểu truyền thống.
84% số người được khảo sát nói rằng, họ sẽ chia sẻ dữ liệu cá nhân với ngân hàng nếu điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ nhận được dịch vụ tốt hơn, cho thấy sự cần thiết trong việc trang bị kiến thức cho người tiêu dùng về những lợi ích cụ thể của các công nghệ mới.
Những người được khảo sát cũng tin rằng, việc ngân hàng đảm bảo bảo mật dữ liệu cá nhân cho khách hàng cũng quan trọng tương đương như bảo mật thông tin tài chính của họ (đều 87%).
Trong số các quốc gia được khảo sát, Trung Quốc là nước có mức độ chấp nhận đối với công nghệ nhận diện bằng vân tay cao nhất (40%), tiếp theo là Ấn Độ (31%) và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (25%). Trong khi đó, chỉ 9% người được khảo sát ở Pháp và Đức và 14% ở Canada đã trải nghiệm công nghệ này.
Tuy nhiên, 70% người được khảo sát cho biết, họ dựa vào các mật khẩu truyền thống để nhận diện, trong khi chỉ khoảng 1/5 (21%) sử dụng nhận diện vân tay và chỉ 6% sử dụng nhận diện giọng nói, bất kể các lợi ích bảo mật của các công nghệ mới này.
Khoảng 45% người được khảo sát là nam giới so với 38% người được khảo sát là nữ giới cho biết, họ là những người tiên phong chấp nhận công nghệ mới, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy nam giới, lại có xu hướng ít sử dụng công nghệ mới hơn so với nữ giới.
Trong khi các thiết bị công nghệ được nam giới sử dụng nhiều nhất là máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy fax, máy nhắn tin và điện thoại cố định, phụ nữ lại ưa chuộng các thiết bị có thể đeo được, các ứng dụng và máy tính bảng hơn.
Tuy nhiên, giữa sự lạc quan về tính đột phá của công nghệ, vẫn có một bộ phận đáng kể cho biết họ chưa bao giờ nghe nói về các công nghệ mới và nếu họ nghe, họ không thể giải thích chúng hoạt động như thế nào.
Những công nghệ mới ít được biết nhất bao gồm: Blockchain (80%); Rô-bốt đảm trách vai trò tư vấn viên, tư vấn đầu tư tự động (69%); Các ứng dụng tài chính tích hợp với truyền thông xã hội như WeChat hoặc Facebook (60%)...
Các kênh giao dịch phổ biến nhất vẫn là internetbanking và ATM
"Gần 1/4 (24%) số người khảo sát cho rằng, họ chưa nghe nói, hoặc không biết về công nghệ kích hoạt bằng giọng nói, mặc dù công nghệ này có sẵn trên nhiều loại điện thoại thông minh", Báo cáo của HSBC cho biết.
Kết quả là, người tiêu dùng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các phương pháp truyền thống để quản lý tiền bạc. Các kênh phổ biến nhất bao gồm ngân hàng trực tuyến thông qua trang điện tử của ngân hàng (67%); Máy ATM (55%); Chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng (41%).
Đánh giá về báo cáo, ông John Flint, Giám đốc toàn cầu Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, Tập đoàn HSBC cho biết, công nghệ số đang phát triển vượt bậc và khách hàng giờ đây có thể tiến hành giao dịch ngân hàng nhanh hơn, đơn giản hơn với độ bảo mật cao hơn.
“Mặc dù coi trọng tính bảo mật đối với dữ liệu cá nhân, nhiều người vẫn chưa hiểu rằng chấp nhận các công nghệ mới có thể giúp họ bảo vệ các thông tin đó. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa đặt lòng tin vào các công nghệ mới vì chưa hiểu rõ về chúng", John Flint nói.
Rất ít người tin rô-bốt tư vấn để mở tài khoản tiết kiệm
Nghiên cứu của HSBC chỉ ra rằng, để xác lập lòng tin và gia tăng độ chấp nhận của khách hàng đối với công nghệ, những điều quan trọng cần làm là: gia tăng kiến thức và sự hiểu biết về các công nghệ mới, nắm bắt xu hướng và đảm bảo tính bảo mật cho người dùng.
Theo nghiên cứu, thông qua việc giải thích một cách đơn giản về phương thức hoạt động của công nghệ nhận diện giọng nói, “sự tin tưởng vào công nghệ ứng dụng sinh trắc học” tăng từ 45% lên 51%.
Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia có tỷ lệ chấp nhận cao đối với các công nghệ mới.
Trung Quốc (48%) và Ấn Độ (50%) là những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về số người đồng ý rằng máy tính có thể sẵn sàng cung cấp các lời khuyên về quản lý tiền bạc chính xác hơn con người, trong khi chỉ 18% người được khảo sát ở Canada và 21% ở Anh đồng ý với nhận định này.
Triển vọng này dựa trên lực lượng dân số trẻ luôn chào đón những cải tiến công nghệ, tỷ lệ người dân tiếp cận với internet cao và số người sở hữu điện thoại thông minh ngày càng gia tăng.
"Để phát huy những tiềm năng này, chúng tôi nhận thấy rằng ngày càng nhiều ngân hàng tại Việt Nam đầu tư vào các nền tảng kỹ thuật số. Và để đảm bảo các nền tảng kỹ thuật số này vận hành hiệu quả, chìa khóa thành công là các ngân hàng cần phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình tăng cường độ chấp nhận công nghệ của khách hàng”, Sabbir Ahmed nói.
Bên cạnh đó, Nghiên cứu của HSBC còn cho biết, lòng tin vào công nghệ không chỉ thay đổi theo giới tính, tuổi tác và địa lý mà còn theo mục đích sử dụng với một số kết quả bất ngờ.
Số người cho biết rằng họ có thể tin tưởng vào một cuộc phẫu thuật tim do rô-bốt thực hiện cao hơn gấp hai lần so với số người đặt lòng tin vào việc rô-bốt tư vấn mở một tài khoản tiết kiệm (14% so với 7%).
Chỉ 11% nói sẽ tin tưởng vào bất kỳ thể loại rô-bốt nào, bao gồm “trợ lý ảo” (chatbot), để mở một tài khoản tiết kiệm hoặc cung cấp lời khuyên về cho vay thế chấp.
Theo những người tham gia khảo sát, khách hàng có 3 kỳ vọng đối với một ngân hàng khi một dịch vụ có ứng dụng công nghệ mới được triển khai: Đảm bảo rằng khách hàng biết được họ cần liên hệ với ai thông qua kênh nào để được hỗ trợ khi gặp vấn đề với công nghệ đó (74%); Giúp khách hàng hiểu rõ công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của họ như thế nào (65%); Chia sẻ thông tin và đưa ra các lời khuyên cho khách hàng thông qua kênh trực tuyến (57%).