Khi trao đổi với ĐTCK, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sử dụng biện pháp hành chính trong kinh tế có thể đem lại những hiệu quả trước mắt, song rất dễ tạo nên những tác động khó lường. Đáng nói là những tác động này không lượng hoá được bằng những tính toán, mà thường được đo đếm một cách định tính. Hệ luỵ rất dễ gặp là những phản ứng ngoài tầm kiểm soát của thị trường.
Trước việc phải "chịu đựng" những áp lực do việc kiềm chế giá cả, không ít doanh nghiệp nhà nước cho rằng, về lâu dài họ không thể nằm ngoài quy luật chung của thị trường, nằm ra ngoài các tác động thị trường và không thể cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh không bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Theo quy luật, khi các điều kiện kinh doanh không thực sự thuận lợi, nhất là tác động của hàng loạt biến động về giá cả nguyên liệu đầu vào, bài toán lợi nhuận thường được đặt trên cơ sở cắt giảm chi phí tối đa. Loại trừ những yếu tố đầu cơ, thì hiếm có doanh nghiệp nào muốn tạo nên những mức giá bất hợp lý vào thời điểm hiện nay. Như vậy, các chuyên gia cho rằng, giải pháp cho bình ổn giá cả một cách lâu dài là triệt để xoá bỏ cơ hội cho đầu cơ.
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, trước mắt, giải pháp minh bạch thông tin kịp thời vẫn sẽ là lời giải hữu hiệu và dễ thực hiện nhất. Điều này sẽ tạo cho thị trường yếu tố dễ dự đoán, tránh các cú "sốc" không cần thiết. Hơn thế, yếu tố đầu cơ sẽ không có đất phát triển khi các thông tin chính xác được cung cấp kịp thời và chủ động từ phía các cơ quan quản lý có trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là áp lực về những hệ luỵ từ những can thiệp hành chính nếu thực hiện, cũng sẽ được kiểm soát.
Hiện nay, việc cắt giảm đầu tư công đang được thực hiện ráo riết và quyết liệt. Hiệu quả của công việc này phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm và quan trọng hơn là sự cân nhắc một cách cẩn trọng bài toán hiệu quả. Giới phân tích kinh tế nhắc nhiều tới bài toán lựa chọn và đây là thời điểm để cơ cấu lại đầu tư một cách thích hợp.
Lâu nay, đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ngoài lĩnh vực ưu tiên về hạ tầng cơ sở, thường tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu như xi măng, sắt thép... Cơ chế chính sách về thương mại và đầu tư cũng được xây dựng nhằm phục vụ cho cơ cấu đầu tư này. Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài, năng lực sản xuất, cả về năng suất và giá trị gia tăng, của Việt Nam có vẻ như được cải thiện rất chậm. Không những thế, việc kiểm soát những hàng hoá sản xuất thay thế hàng nhập khẩu này vẫn đang chứa đựng rất nhiều yếu tố hành chính song hiệu quả chưa thực sự rõ rệt.
Một kịch bản mới đang được nghiên cứu, đó là hướng các ưu tiên vào những lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu và những lĩnh vực có lợi nhuận cao. Ưu thế ở kịch bản này là khả năng gia tăng năng lực sản xuất và các cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam. Quan trọng hơn, sự tăng trưởng này là bền vững và thực sự có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế.
Tất nhiên, ở kịch bản này, chính sách đầu tư và thương mại cần được xây dựng theo hướng thu hút các nguồn đầu tư ngoài Nhà nước, giảm tỷ trọng đầu tư của Nhà nước. Như vậy, kết quả sẽ là nguồn vốn nhà nước được điều chuyển một cách công khai, rõ ràng cùng với cơ hội mở ra cho các nguồn vốn đầu tư khác. Bài toán cắt giảm đầu tư của Nhà nước cũng cần được thực hiện theo nguyên tắc của thị trường.