Đừng hiểu sai vai trò của VSD

Đừng hiểu sai vai trò của VSD

(ĐTCK) Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) khẳng định như vậy khi các báo việt viết hiện tượng thỏa thuận lớn cổ phiếu EIB.

Ông Tuấn cho biết, khi viết về hiện tượng giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu EIB trên TTCK, một số tờ báo đặt nghi vấn có hay không sự tiếp tay của VSD là chưa hiểu đúng bản chất công tác giám sát của TTCK cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan.

Ông Tuấn khẳng định, VSD không có chức năng giám sát trực tiếp hoạt động giao dịch, không có chức năng công bố thông tin về giao dịch thỏa thuận, mà chỉ thực hiện khâu thanh toán bù trừ trong chuỗi giao dịch trên TTCK hiện nay.

Trước diễn biến giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu EIB và STB gần đây, một số bài viết trên mặt báo đã đặt vấn đề tại sao VSD biết hết thông tin về người giao dịch, lại không công bố cho thị trường rõ danh tính những đối tượng này, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định lại là tất cả các đối tượng tham gia TTCK đều phải tuân thủ các quy định pháp luật, trong đó có quy định về công bố thông tin theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC. Vai trò giám sát giao dịch đầu tiên là ở các Sở GDCK và cấp cao hơn là ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Tại VSD, chúng tôi thực hiện chức năng chính là đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết trên Sở GDCK và các chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên quan cho các thành viên thị trường. Trong các chức trách được giao, không có quy định nào về trách nhiệm của VSD đối với việc VSD phải công bố thông tin về danh tính các tài khoản giao dịch, trong đó có giao dịch thỏa thuận, vì nếu làm như vậy là xâm phạm quyền bảo mật thông tin của NĐT đã được luật pháp quy định.

 

Vậy việc giám sát giao dịch trên TTCK đang được thực hiện như thế nào và theo quy định pháp lý hiện hành, trong trường hợp nào thì VSD mới chịu trách nhiệm công bố thông tin về  giao dịch?

Như tôi đã nói trên, việc giám sát các giao dịch thực hiện trên hai Sở GDCK hiện nay được thực hiện theo 2 cấp, tại Sở GDCK và UBCK. Trong đó, giám sát cấp 1 thuộc về các Sở GDCK và cấp 2 là các đơn vị chức năng của UBCK. Tại VSD, chúng tôi thực hiện các công việc xử lý sau giao dịch bao gồm thanh toán, bù trừ, tuy nhiên VSD có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan, chủ yếu là danh tính tài khoản giao dịch để phục vụ công tác giám sát khi có yêu cầu của Sở GDCK, UBCK.

Theo quy định hiện hành (Thông tư 52/2012/TT-BTC), thì VSD chỉ có trách nhiệm công bố thông tin về các giao dịch ngoài sàn, tức là các giao dịch không thực hiện qua hệ thống giao dịch của Sở GDCK, cụ thể là việc chuyển quyền sở hữu của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng và các trường hợp chuyển nhượng đặc biệt mà UBCK có văn bản chấp thuận cho thực hiện ngoài hệ thống giao dịch của Sở GDCK. Hiện nay, VSD đều công bố trên trang thông tin điện tử (website) của VSD các giao dịch chuyển nhượng này sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

 

Vậy trước hiện tượng giao dịch thỏa thuận lớn bất thường với cổ phiếu EIB và STB nói riêng, các cổ phiếu khác nói chung, theo ông, làm thế nào để NĐT nhận ra “chân tướng” các chủ thể giao dịch?

TTCK hướng đến sự minh bạch, nhưng tất cả đều phải theo quy chuẩn pháp lý. Tại Việt Nam cũng như tại các TTCK trên thế giới đã có quy định, NĐT mua vượt trên hoặc giảm xuống dưới ngưỡng sở hữu 5% cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng được coi là cổ đông lớn và phải tự thực hiện công bố thông tin trên thị trường. Đồng thời, khi đã là cổ đông lớn, mọi hoạt động giao dịch của đối tượng này (mua hay bán) cũng đều phải công bố công khai ra thị trường. Trong trường hợp các giao dịch của NĐT diễn ra trên thị trường chưa chạm vào ngưỡng phải công bố thông tin, thì không thể buộc các chủ thể thực hiện giao dịch công bố thông tin được.

Nếu các chủ thể giao dịch làm sai quy định pháp lý thì với sự giám sát hậu kiểm của các cơ quan chức năng như hiện nay, không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành, khi giá cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp thì 2 Sở buộc DN phải giải trình và công bố thông tin để NĐT hiểu rõ hơn về DN. Vậy nên chăng có thêm quy định, khi khối lượng giao dịch của một cổ phiếu lớn bất thường (chẳng hạn chuyển nhượng đến 20% vốn điều lệ trong 10 phiên liên tiếp), thì sẽ buộc DN công bố thông tin hoặc VSD sẽ có tín hiệu cảnh báo đến NĐT. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi nghĩ ý tưởng này nên chuyển đến cơ quan quản lý trả lời thì phù hợp hơn VSD. Tuy nhiên, theo những gì cá nhân tôi được biết, chưa có TTCK nước nào buộc DN phải công bố thông tin khi NĐT giao dịch lượng lớn cổ phiếu của DN. Cách làm phổ biến của các nước là  quy định buộc chủ thể giao dịch (NĐT) phải công bố thông tin khi chạm những ngưỡng sở hữu nhất định, thông thường là 5%. Còn ý kiến cho là VSD cần công bố thông tin hay ra tín hiệu cảnh báo khi trong một thời gian nhất định xuất hiện lượng giao dịch lớn một cổ phiếu nhất định, theo tôi là hiểu hoàn toàn sai chức năng của VSD. Trong quy trình giao dịch trên TTCK, VSD chỉ thực hiện chức năng thanh toán, bù trừ, giúp hoàn tất giao dịch. Chúng tôi không kiểm soát thông tin giao dịch theo khối lượng chứng khoán, mà chỉ quản lý thông tin về NĐT và sở hữu chứng khoán trong các tài khoản của từng NĐT.