Trong làn sóng lên sàn 2017, nếu doanh nghiệp đại chúng không “chuẩn chỉ” lại vấn đề pháp lý trong quản trị, công bố thông tin, phát hành… thì khả năng bị phạt là khó tránh khỏi, nhất là khi đưa cổ phiếu lên giao dịch chính thức.
Chưa hết quý I, hơn 30 quyết định xử phạt
Trong số hơn 30 quyết định xử phạt mà UBCK đưa ra kể từ đầu năm đến nay, có 2/3 số trường hợp, đối tượng vi phạm là các doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn. Không ít sai phạm xảy ra từ những năm trước, trong khi doanh nghiệp đã đại chúng hóa, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thực tế, do chưa niêm yết/đăng ký giao dịch nên nhiều doanh nghiệp không thực sự quan tâm đến việc tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng. Nay doanh nghiệp lên sàn, cơ quan quản lý có điều kiện thuận lợi để phát hiện các sai phạm.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Khoáng sản 3 - VIMICO (MC3) đã phải lùi ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM để thực hiện quyết định xử phạt của UBCK. MC3 bị phạt 300 triệu đồng do từ ngày 7/11/2013 đến 5/7/2014, Công ty chào bán 2 triệu cổ phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCK. Công ty buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp khác bị xử phạt như Công ty cổ phần Dầu khí Thái Dương, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (BSL), Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM). Trong đó, BSL bị phạt 165 triệu đồng bởi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và phát hành tăng vốn điều lệ (2 lần, vào các năm 2015 và 2016) nhưng không báo cáo UBCK.
Với TDM, công ty này bị phạt số tiền 350 triệu đồng do chào bán chứng khoán mà không đăng ký với UBCK. Trong thông báo gửi đến cổ đông, Hội đồng quản trị TDM giải thích, để đáp ứng nhu cầu vốn triển khai các dự án Nhà máy nước Bàu Bàng và Nhà máy nước Dĩ An, Công ty đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty nhận thấy việc tăng vốn trên là chưa đúng theo quy định vì việc tăng vốn phải có đủ hồ sơ chào bán ra công chúng và phải được UBCK phê duyệt. Đến thời điểm 30/9/2016, số vốn góp của các cổ đông đã góp thêm là hơn 47,8 tỷ đồng và Công ty sẽ hoàn trả số tiền trên cho cổ đông.
Với lỗi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, Nghị định 145/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/11/2016 đã nâng mức phạt tiền lên tối đa 100 triệu đồng, từ mức tối đa 50 triệu đồng theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Doanh nghiệp mới nhất phải chịu án phạt này ngày 22/3 là Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - công ty cổ phần, mức phạt 70 triệu đồng do chậm nộp hồ sơ trên 36 tháng.
Trước đó, từ đầu năm 2017, các doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng từ 1 - 12 tháng và trên 12 tháng đã bị xử phạt là Cấp thoát nước Phú Yên, Sứ Viglacera Thanh Trì, Cấp thoát nước Tây Ninh, Nước sạch Thái Nguyên, TEDI, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị…
Muốn không bị phạt, phải làm đúng pháp lý
Luật Chứng khoán năm 2006 cũng như nhiều văn bản hướng dẫn Luật này quy định, việc phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đăng ký với UBCK. Theo UBCK, vi phạm nghĩa vụ này xảy ra nhiều trong năm 2007, 2008 do đây là giai đoạn các văn bản hướng dẫn được ban hành, các doanh nghiệp chưa kịp cập nhật và nắm bắt quy định mới, nhưng cũng có những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư, tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh vi phạm chào bán chứng khoán nhưng không đăng ký, các lỗi phổ biến trong thời gian gần đây đối với nhóm doanh nghiệp đại chúng là chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, chậm nộp các tài liệu cơ bản (báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên…) và lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch chứng khoán không công bố.
Với yêu cầu của Chính phủ buộc các công ty đại chúng phải niêm yết/đăng ký giao dịch, hàng trăm doanh nghiệp đang chuẩn bị các thủ tục lên sàn. Theo thông tin từ nhà quản lý, ngoài hơn 1.000 doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên 3 sàn là HOSE, HNX và UPCoM, cả nước còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp đại chúng ngoài sàn, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang làm các thủ tục lên sàn.
Ra “ánh sáng”, doanh nghiệp có nhiều cái lợi về uy tín, thương hiệu, về khả năng tiếp cận kênh huy động vốn mới…, nhưng để đi đến những lợi ích đó, trước hết doanh nghiệp phải xử lý lại chính mình để không bị phạt về những lỗi các “đàn anh” đi trước đã vấp phải.