Tuy nhiên, hầu hết các nhà tư vấn tài chính và chứng khoán đều khuyên khách hàng của mình giữ bình tĩnh và tiếp tục đầu tư vào chứng khoán thế giới, thậm chí, một số người còn sẵn sàng cho hoạt động mua vào.
Chuyên gia Howard Pressman, làm việc tại Công ty dịch vụ tư vấn tài chính và quản lý đầu tư Egan, Berger & Weiner (có trụ sở tại Virginia, Mỹ) nhận định: “Chúng tôi cảm thấy các giá trị chứng khoán vẫn hấp dẫn tại các thị trường phát triển và đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời tin tưởng rằng, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư dài hạn tận dụng lợi thế của bất ổn ngắn hạn hiện nay”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tracey Eve Johnson, chuyên gia kế hoạch tài chính tại Blue Flag Planning cho rằng, các nhà đầu tư chứng khoán có tầm nhìn xa sẵn sàng duy trì các mục tiêu trọng tâm trong dài hạn, bất chấp giai đoạn bất ổn không thể tránh được trên thị trường thời gian qua.
Rất nhiều nhà môi giới tài chính để mắt tới cổ phiếu nước ngoài do danh mục đầu tư này có độ rủi ro và đặc tính khác so với chứng khoán Mỹ. Đặc biệt, họ có thể đa dạng hóa đầu tư và tránh xu hướng chỉ tập trung vào các loại cổ phiếu trong nước.
Theo số liệu thống kê tính tới tháng 3/2015 của Bespoke Investment Group, thị trường chứng khoán Mỹ chiếm khoảng 36% tổng giá trị vốn hóa toàn cầu, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là khoảng 9,4%. Điều này có nghĩa, nếu danh mục đầu tư tập trung chủ yếu vào cổ phiếu Mỹ, nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ hơn 60% cơ hội đầu tư chứng khoán tại nhiều thị trường khác trên toàn thế giới.
“Do khách hàng của tôi chủ yếu tại Mỹ và đầu tư bằng đồng USD, tôi đưa ra lời khuyên cho họ là hãy đặt 60% vốn đầu tư chứng khoán vào cổ phiếu Mỹ và 40% vào cổ phiếu quốc tế”, Charles Levin, nhà quản lý đầu tư tại chính tại Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Trong khi đó, theo phân tích của Tập đoàn Vanguard Group, phân bổ 20% đầu tư cho chứng khoán quốc tế là tỷ lệ khởi đầu phù hợp cho hầu hết các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc bổ sung kinh phí đầu tư quá nhiều cho cổ phiếu quốc tế có thể kéo tụt lợi nhuận nếu không được quản lý hiệu quả. Lượng phân bổ vốn đầu tư vượt quá 40% có thể đa dạng hóa lợi nhuận song cũng có thể khiến chi phí tăng cao. Nhìn chung, đối với nhiều nhà đầu tư, phân bổ khoảng 20-40% vốn đầu tư cho chứng khoán quốc tế có thể coi là tỷ lệ phù hợp.
Trong nền kinh tế toàn cầu, hầu hết các công ty lớn của Mỹ đều có mối quan hệ gắn kết với các thị trường quốc tế. Năm ngoái, tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu bán hàng tại nước ngoài của các công ty niêm yết trên S&P 500 sau 5 năm đình trệ đã tăng trở lại. Cụ thể, tỷ lệ nói chung năm 2014 là 47,8%, tăng so với mức 46,2% của năm 2013.
Doanh số bán hàng của các công ty S&P 500 từ châu Á năm 2014 có tăng song không tăng mạnh, với mức 7,8% so với 7,7% của năm 2013 và 7,5% năm 2012. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn của Mỹ không đạt mức doanh số bán bùng nổ tại Trung Quốc, qua đó khiến những đánh giá về sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc tới lợi nhuận của họ trở nên khó khăn hơn.
Chìa khóa cho các nhà đầu tư dài hạn là sự hòa trộn giữa chứng khoán quốc tế, vốn không chỉ tập trung vào một khu vực hay quốc gia.
“Bất ổn tại Trung Quốc chỉ trở thành vấn đề đáng ngại nếu bạn không đa dạng hóa và quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu tình hình tại Trung Quốc khiến bạn đau đầu, có thể chiến lược đầu tư của bạn chưa thực sự hiệu quả”, Scot Hanson, nhà tư vấn chứng khoán tại EFS Advisors khẳng định.