Cần bổ sung giải pháp để đảm bảo các cổ đông dễ dàng tiếp cận danh sách cổ đông từ phía Trung tâm lưu ký, hoặc từ doanh nghiệp

Cần bổ sung giải pháp để đảm bảo các cổ đông dễ dàng tiếp cận danh sách cổ đông từ phía Trung tâm lưu ký, hoặc từ doanh nghiệp

Đừng để quyền của cổ đông chỉ tồn tại trên… giấy

(ĐTCK) Thực tế áp dụng Luật Doanh nghiệp cho thấy, nhiều quyền của cổ đông tại các doanh nghiệp niêm yết chỉ tồn tại trên... giấy. Bởi vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần khắc phục tình trạng này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, trước khi trình Quốc hội xem xét trong tháng 10 tới.

Luật Doanh nghiệp hiện hành trao cho các cổ đông nhỏ lẻ cơ hội tập hợp lại với nhau, để thực hiện rất nhiều quyền. Cụ thể tại khoản 2, Điều 114 về quyền của cổ đông phổ thông quy định: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền: đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết…

Ngoài ra, nhóm cổ đông này có còn quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong các trường hợp vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty, không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT, sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…

Luật Doanh nghiệp trao cho các cổ đông nhỏ lẻ ở các doanh nghiệp niêm yết nhiều quyền là vậy, nhưng đại diện cho tiếng nói của cả nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, trên thực tế, gần như các quy định bị vô hiệu hóa do cổ đông không tiếp cận được danh sách cổ đông, mặc dù luật quy định rõ: cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ. Đây là lý do khiến cổ đông không thể liên lạc và tập hợp nhau lại để trở thành nhà đầu tư lớn nhằm thực hiện các quyền về quản trị công ty, bảo vệ các quyền và lợi chính đáng của họ.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh giải pháp để đảm bảo cho các cổ đông dễ dàng tiếp cận danh sách cổ đông từ phía Trung tâm lưu ký, hoặc từ doanh nghiệp.

Có một thực tế là trong khi các cổ đông rất khó khăn trong nắm bắt danh sách chi tiết các cổ đông khác của một công ty, thì Luật Doanh nghiệp hiện hành lại đặt ra những yêu cầu buộc cổ đông, cũng như các bên liên quan phải công khai rất chi tiết nhiều loại thông tin, mà như phàn nàn của nhà đầu tư là liên quan đến quyền bảo mật, riêng tư của họ, như số thẻ căn cước công dân, số chứng minh nhân dân…

Cụ thể, Điều 137 về danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ của Luật Doanh nghiệp quy định: danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức…

Chia sẻ phàn nàn trên của giới đầu tư, Bộ Tài chính nhìn nhận, các thông tin như số thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông, là những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến thông tin cá nhân của cổ đông, nên đề nghị khi hoàn chỉnh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh (có sửa đổi Luật Doanh nghiệp) cần theo hướng: đối với danh sách có quyền dự họp ĐHCĐ, thì khi cổ đông yêu cầu chỉ cung cấp thông tin: họ tên, địa chỉ, số cổ phần sở hữu…

Là thành viên trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, CIEM đang nghiên cứu vấn đề trên. Những thông tin như số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu... đúng là các cổ đông không cần và cũng có thể không cung cấp.

“Tuy nhiên, cần minh bạch địa chỉ liên hệ để các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ liên kết với nhau, từ đó lập thành nhóm cổ đông để bảo vệ tốt hơn quyền của họ”, ông Hiếu nhìn nhận.

Tin bài liên quan