Nhà dành cho người thu nhập thấp hiện vô cùng khan hiếm.

Nhà dành cho người thu nhập thấp hiện vô cùng khan hiếm.

Đừng để nhà giá rẻ… chỉ ở trên báo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin về nhà giá rẻ, nhà ở xã hội… được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy.

Không phải ngẫu nhiên trong cuộc trò chuyện ngắn gần đây, Nam - giám đốc một doanh nghiệp chuyên về nhà ở xã hội, dành nhiều thời gian như vậy cho người viết để nói sâu hơn câu chuyện phát triển nhà ở xã hội mà anh đau đáu bấy lâu nay.

Theo vị giám đốc trẻ này, có lẽ chưa bao giờ thông tin về chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội được đăng tải nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ, từ ban hành gói ưu đãi tín dụng 120.000 tỷ đồng tới việc khởi công loạt dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước…

Thế nhưng, từ đầu năm tới nay vẫn chưa có dự án mới nào thành hình, chứ chưa nói đến chuyện có nhà để mua. Đó là chưa kể ngay cả khi có, người mua phải trải qua cả “rừng” quy trình, thủ tục…, thậm chí là cả “may mắn” mới có thể mua được nhà ở ở xã hội.

“Nhà ở xã hội theo định nghĩa là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, thế nhưng ai là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này và cần thỏa mãn điều kiện gì để mua được nhà thì không phải người nào cũng nắm được nếu chỉ nghe qua tivi, báo đài…”, Nam nói.

Tôi may mắn vài lần được theo chân người lao động phổ thông, công nhân làm việc trong khu công nghiệp… đi tìm hiểu mua nhà ở xã hội. Thú thực, nếu chỉ ở nhà ngồi máy lạnh, đọc tài liệu tôi cũng viết được những bài báo về nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, bàn về chính sách cho phân khúc nhà ở rất quan trọng này với các trích dẫn từ các bình luận sâu sắc của các chuyên gia, nhưng có đi thực tế thì mới thấm thía được nỗi đoạn trường tìm kiếm nơi an cư của lao động ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp.

Hoàng - công nhân một nhà máy công nghệ bên Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) kể, vài tháng nay lặn lội các khu vực xung quanh nơi làm việc để tìm xem có căn nhà nào phù hợp với thu nhập của gia đình mà chưa được. Có dự án chung cư rao bán nhưng cách quá xa nơi làm việc, giá lại cao và không vay được ngân hàng, nhà tập thể thì xuống cấp, đi lại bất tiện, còn chung cư mini thì không riêng biệt, sổ đỏ chung chủ…

Sau nhiều lần tham khảo thông tin trên báo chí và nhờ dắt mối, anh được giới thiệu một căn chia lô ở gần khu công nghiệp nơi làm việc theo loại hình “cò” tự mua đất, phân lô rồi xây nhà kiểu mẫu, chí ít có vài tiêu chí có thể đáp ứng. Thế nhưng, khi tìm hiểu thêm thông tin và “mục sở thị” tận nơi mới thấy không phù hợp, bởi ngoài việc là đất nông nghiệp dạng phân lô chưa chuyển đổi nên không được xây kiên cố, chỉ được làm nhà tạm, thì hạ tầng dịch vụ, tiện ích khu vực này còn rất thiếu thốn, đường vào khu đất chưa hoàn thiện nên bụi bặm, lầy lội, lại xa trường học, bệnh viện… và quan trọng là mức giá không “rẻ” như quảng cáo.

“Giá như những gì trên báo chí nói về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đi vào được cuộc sống thì tụi em đỡ vất vả biết bao”, người công nhân này nói.

Giấc mơ “an cư” của những lao động ngoại tỉnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa bao giờ là đề tài “nguội” với cánh nhà báo theo dõi thị trường bất động sản như chúng tôi và sau hàng trăm bài viết hay tham dự đưa tin về các sự kiện, tọa đàm, diễn đàn liên quan tới bất động sản, điều mà nhiều người dân mong mỏi hơn bao giờ hết là các chính sách mới đi vào cuộc sống.

Giải quyết tốt nhu cầu an cư của người dân là một trong những trụ cột quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước.

Việc Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương cụ thể hóa chương trình hành động về nhà ở theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ là một tin vui không chỉ với lĩnh vực bất động sản - xây dựng, mà hơn hết là với hàng triệu lao động phổ thông ở đô thị.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trên thực tế như tiến độ triển khai đề án còn rất chậm, rất ít dự án thực sự được triển khai, chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, giá nhà và lãi suất cho vay vẫn neo cao…, giấc mơ an cư của người dân đô thị còn quá xa vời.

Chủ trương đã có, nguồn vốn cũng đã sẵn sàng, song vướng mắc lớn nhất là pháp lý dự án vẫn là rào cản khiến các chính sách chưa thể “vào guồng” như mong đợi. Thế nhưng, một điều đáng tiếc là những khung pháp lý quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhà cho người thu nhập thấp như các dự án sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng… lại chưa sớm được thông qua.

TS. Sử Ngọc Khương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, việc ban hành gói tín dụng ưu đãi lãi suất là cần thiết, song vẫn chưa đủ để kích thích phát triển nhà ở xã hội.

“Vì sao không dùng các công cụ khác, ngoài lãi suất? Tại sao không đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án để tối ưu chi phí, giúp cho giá nhà rẻ hơn…, mà lại đẩy sang lĩnh vực ‘trái tay’ là ngân hàng? Chúng ta cần dùng nhiều công cụ của các bên liên quan để cùng giải quyết vấn đề, nếu chỉ áp dụng các công cụ riêng lẻ thì rất khó để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội như đã đề ra”, ông Khương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: “Hiện có 3 vướng mắc lớn ảnh hưởng tới chủ trương này. Vướng mắc thứ nhất - cũng là quan trọng nhất, đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận nhà ở xã hội, nhiều người cho rằng làm nhà ở xã hội như làm từ thiện, không phải là vấn đề thiết yếu. Vướng mắc thứ hai là cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và khâu thực thi; vướng mắc thứ 3 là quy hoạch và quỹ đất, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề cực kỳ khó khăn”.

Trên thực tế, những vướng mắc trong trình tự phê duyệt, thẩm định dự án, điều chỉnh quy hoạch… được chỉ ra như là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung “dậm chân tại chỗ” hoặc chậm tiến độ kéo dài. Nhiều ý kiến cho rằng, không dễ để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030, nhưng khó mấy cũng phải làm, lý do bởi giải quyết tốt nhu cầu an cư của người dân là một trong những trụ cột quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước.

Nhìn sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…, hệ thống nhà ở xã hội được xây dựng và vận hành với chi phí rất thấp dành cho đối tượng thu nhập thấp, mà vẫn đầy đủ các tiện nghi cơ bản.

So với thị trường nhà ở xã hội ở Hồng Kông chỉ có nhà chung cư, sản phẩm này tại Việt Nam có thêm loại hình nhà liền thổ do còn nhiều quỹ đất ở. Hồng Kông đẩy mạnh tỷ lệ công/tư phát triển nhà ở là 70:30 trong tổng nguồn cung nhằm đảm bảo nguồn đầu tư cho dự án nhà ở xã hội, trong khi Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ này.

Hay tại Singapore, quốc gia này quy định chặt chẽ hơn Việt Nam về chương trình nhà ở xã hội với các tiêu chí về sàng lọc cư dân, chế độ sở hữu (99 năm)… nhằm giúp chính phủ Singapore chọn lọc nhu cầu nhà ở phù hợp với nguồn cung hiện hữu.

Còn ở Hàn Quốc, các thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội được đơn giản hóa rất nhiều. Nếu quy hoạch dự án được chính phủ phê duyệt, hơn 30 thủ tục pháp lý liên quan khác sẽ được giảm bớt, đặc biệt ở giai đoạn lập hồ sơ và giai đoạn thực hiện.

Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính khiến chi phí bị đội lên, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại bị giới hạn ở mức 10% trở xuống nên họ không mặn mà làm nhà ở xã hội.

Tin bài liên quan