Trên thực tế, việc thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh đã tạo ra những thách thức đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài, như gặp khó khăn trong việc tìm hiểu cấu trúc tài chính, chiến lược phát triển, các điều khoản kết nối với đối tác kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu tự tin khi đưa ra quyết định đầu tư sao cho có lợi cho cả hai bên.
Trong một số trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam, tuy nhiên vì rào cản ngôn ngữ nên nhà đầu tư không có thông tin đầy đủ và minh bạch khiến họ chuyển hướng tìm hiểu về các thị trường khác, dù ít tiềm năng hơn, nhưng lại có môi trường công bố thông tin tốt hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh, Chuyên viên Nghiên cứu Quản trị công ty, Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ đào tạo về Quản trị Doanh nghiệp BR&T, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM |
Công bố thông tin bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến trên các sàn giao dịch quốc tế, kể cả những quốc gia không xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh sẽ chủ động triển khai trong năm 2024 yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin trên thị trường chứng khoán một cách minh bạch theo hình thức song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Việc bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh là vô cùng cần thiết, đóng vai trò như một bước đệm không chỉ giúp đơn giản hóa việc tiếp cận và thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà còn để giữ chân những nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Trong khi các quốc gia như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), tiếng Anh thường được sử dụng gần như là ngôn ngữ chính thức thì Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy các quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh để thu hút và tiếp cận nhà đầu tư quốc tế. Tại Nhật Bản, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) cũng đã đưa ra yêu cầu đối với khoảng 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hàng đầu Prime từ tháng 3/2025 phải công bố các thông tin quan trọng bằng tiếng Anh.
Theo thống kê, các sàn giao dịch chứng khoán đặt tại các quốc gia nói tiếng Anh chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 65%) trong vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu, điều này chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đổ vào các thị trường công bố thông tin bằng tiếng Anh. Vậy nên, nếu không kịp thời đưa ra các quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các quốc gia có thể đối diện với nguy cơ mất cơ hội tiếp cận, thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong một cuộc khảo sát thăm dò với 24 công ty Đức, các giám đốc điều hành được yêu cầu cung cấp lý do vì sao họ chọn công bố báo cáo thường niên bằng tiếng Anh. Kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy các mục tiêu trong việc công bố báo cáo thường niên bằng tiếng Anh bao gồm "nhắm vào nhà đầu tư và cổ đông không phải người địa phương", "nâng cao tính minh bạch để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài" và "tăng cường tính đại diện đối với khách hàng nước ngoài". Để củng cố và làm sáng tỏ vấn đề này, ta cần xem xét và đào sâu về các lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Việc sử dụng tiếng Anh trong công bố thông tin mang lại nhiều ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một trong những lợi ích được kể đến bao gồm mở rộng đối tượng độc giả và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng không phải là người địa phương, đồng nghĩa với việc công bố thông tin bằng tiếng Anh có thể làm gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài và giảm sự bất đối xứng thông tin giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ được sử dụng và sự ra quyết định của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư thường có xu hướng giao dịch với các công ty có cùng ngôn ngữ và nền tảng văn hóa tương tự. Khi thông tin được công bố bằng tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến trong cộng đồng kinh doanh quốc tế, thì tất cả các nhà đầu tư, kể cả những người không nói tiếng địa phương đều có cơ hội tiếp cận thông tin một cách công bằng, đánh giá cơ hội đầu tư dựa trên cùng một cơ sở thông tin, tạo ra một môi trường giao dịch công bằng và minh bạch hơn.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài và nhà phân tích tăng lên đáng kể và sự bất cân xứng về thông tin có xu hướng giảm khi áp dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ để công bố thông tin. Thông tin bằng tiếng Anh trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với cộng đồng nhà phân tích quốc tế vì họ thường phụ thuộc vào thông tin và dữ liệu mà công ty công bố để đánh giá và dự báo về hiệu suất trong tương lai. Các thông tin này bao gồm dữ liệu tài chính, báo cáo hàng năm, thông tin về chiến lược kinh doanh, và các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Sự quan tâm từ nhiều nhà phân tích góp phần tạo ra một hình ảnh minh bạch và đáng tin cậy cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hình ảnh tích cực trên thị trường. Duy trì công bố thông tin bằng tiếng Anh giúp doanh nghiệp tăng cường vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, tăng giá trị thương hiệu, thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, sử dụng tiếng Anh trong công bố thông tin đồng nghĩa với việc loại bỏ các chi phí giao dịch liên quan đến dịch thuật và xử lý thông tin mà nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt. Việc đồng nhất ngôn ngữ trong các báo cáo và tài liệu giúp tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa quá trình phân phối thông tin, giảm sự nhầm lẫn khi truyền đạt thông tin cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch một cách hiệu quả. Từ đó, tối ưu hóa chi phí giao dịch, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nhà đầu tư.
Mặc dù có nhiều lợi ích trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vẫn cần chú ý đến các khía cạnh sau khi thực hiện công bố thông tin theo hình thức song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Thứ nhất, phải đảm bảo rằng các tài liệu được dịch thuật và công bố với nội dung chính xác và rõ ràng. Tài liệu phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh phải có sự nhất quán, tránh gây hiểu lầm và tăng cường niềm tin từ phía nhà đầu tư. Việc sử dụng đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp hoặc công ty dịch thuật có uy tín là cần thiết nhằm truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả và chính xác.
Thứ hai, phải nắm bắt các quy định pháp luật, tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bước đầu thực hiện, việc dịch thuật và chuẩn bị tài liệu tiếng Anh có thể mất nhiều thời gian hơn so với việc Công bố thông tin chỉ bằng tiếng Việt. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng lập kế hoạch đảm bảo công bố thông tin cùng lúc bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định.
Thứ ba, cần xây dựng chiến lược truyền thông chặt chẽ đảm bảo các tài liệu bằng tiếng Anh được truyền đạt hiệu quả và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, công bố tài liệu trên website của công ty sao cho tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và truy cập dễ dàng.
Thứ tư, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho phía nhà đầu tư tương tác và phản hồi đối với các tài liệu công bố bằng tiếng Anh thông qua việc cung cấp thông tin liên lạc hoặc hệ thống phản hồi trực tuyến. Điều này giúp xây dựng một môi trường giao tiếp mở và tạo sự tin cậy từ nhà đầu tư.
Hiện tại, một số doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã có xu hướng tự nguyện công bố thông tin bằng cả hai ngôn ngữ, phá bỏ rào cản để mở rộng tầm ảnh hưởng và thuận lợi trong quan hệ kinh doanh quốc tế. Các quy định liên quan đến việc công bố thông tin theo hình thức song ngữ được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.