Đừng để doanh nghiệp nhà nước nằm trong “nách” các bộ

Đừng để doanh nghiệp nhà nước nằm trong “nách” các bộ

(ĐTCK) “Người dân mong đợi tới đây không còn chuyện DNNN nằm trong ‘nách’ các bộ, UBND cấp tỉnh nữa…”, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo, đang được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ. 

Nhiều ý kiến cho rằng, khối DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đang nắm lượng tài sản lớn hàng chục tỷ USD, nhưng không hề có luật quản lý, giám sát hoạt động của các DN này, mà việc này đang trông chờ vào các văn bản dưới luật. Đây là “lỗ hổng” pháp lý đáng ngại. Ông có nghĩ như vậy?

Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là đạo luật tôi trông chờ nhiều năm nay.

Là người có 20 năm tham gia đổi mới DNNN, cũng là người viết đề án cổ phần hóa cho DN cổ phần đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời với kinh nghiệm 10 năm tham gia điều hành một DNNN lớn, tôi nhận thấy việc chậm trễ ban hành luật này đang tạo ra “lỗ hổng” pháp lý nghiêm trọng và đáng lo ngại kể từ khi Luật DNNN hết hiệu lực.

Sau bài học Vinashin, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng, từ “lỗ hổng” pháp lý này đã dẫn tới “lỗ hổng” trách nhiệm rất đáng ngại, bởi tổng tài sản của các DNNN hiện lên đến khoảng vài chục tỷ USD, nhưng lại không hề có luật nào điều chỉnh. Thực tế này đang đặt ra đòi hỏi bức bách không thể không có luật để quản lý, giám sát DNNN.

So với yêu cầu như vậy, Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có đáp ứng được kỳ vọng của ông?

Chưa đâu, bởi lẽ ra nhân cơ hội này, Ban soạn thảo cần mạnh dạn đưa ra các quy định nhằm thực hiện mạnh mẽ hơn định hướng cải cách toàn diện DNNN, nhưng những gì Dự thảo đề cập chưa đạt đến tầm như vậy, mà đang quá lạm dụng luật hóa những gì đang làm. Dự thảo Luật cần quy định chi tiết hai vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, cần thay đổi đối tượng điều chỉnh của Luật. Trong đó, đối tượng chính là Nhà nước, các đối tượng làm đại diện phần vốn nhà nước tại DN, chứ không phải lấy đối tượng chính là mấy “ông” DNNN như Dự Luật nêu ra. Theo đó, cần làm rõ Nhà nước được phép kinh doanh những gì, mặc dù lý tưởng nhất là Nhà nước không nên tham gia kinh doanh, mà nhiệm vụ chính yếu là xây dựng hành lang pháp lý để xử lý các khuyết tật của thị trường.

Thứ hai, phải chấm dứt tình trạng nhập nhèm giữa vai trò kinh doanh và vai trò công ích của DNNN. Cần có tư duy dứt khoát rằng, đã là DN thì hoạt động chính phải là kinh doanh, chứ không thể duy trì tình trạng như hiện nay là cùng một mâm cỗ, nhưng bày lẫn cả đồ chay và đồ mặn, khiến không đánh giá được hiệu quả hoạt động của DNNN. Dự Luật cần hoàn thiện theo hướng chuyển nhiệm vụ làm công ích cho các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Về lâu dài, cần có một đạo luật về các định chế phi lợi nhuận.

Một hạn chế lớn nữa của Dự thảo là chưa phân tách rạch ròi chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, thưa ông?

Đúng vậy, trong khi đây đang là một trong những bức xúc lớn nhất hiện nay. Dự thảo không phân biệt được Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư vào DN và Nhà nước với tư cách là nhà quản lý. Trong khi đó lẽ ra ở vai trò là nhà đầu tư vốn vào DN, Nhà nước phải hành xử theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nên đi sâu quy định về mối quan hệ giữa ông chủ Nhà nước với các đối tượng khác cùng tham gia đầu tư vào DN.

Dự thảo cũng cần làm rõ mối quan hệ của Nhà nước với pháp nhân tại DN, còn pháp nhân có nghĩa vụ tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp. Tuy Nhà nước sở hữu vốn tại DN, nhưng còn tài sản của DN là tài sản của pháp nhân, chứ không hoàn toàn liên quan tới Nhà nước. DN có 90% là vốn nhà nước, nhưng cái xe, cái bàn… là tài sản của pháp nhân DN.

Một số ý kiến đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại DNNN. Ông có ủng hộ đề xuất này?

Tôi ủng hộ phương án này, bởi chỉ có cách làm này, mới giúp không bộ trưởng nào còn phải quan tâm tới DNNN nữa. Trông chờ của người dân là tới đây không còn DNNN nằm trong “nách” các bộ, ngành, UBND các tỉnh.

Cùng với bước cải cách trên, Dự luật cũng cần bổ sung các quy định theo hướng khắt khe hơn về yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với DNNN. Chứ nếu vẫn tiếp diễn cách làm như hiện nay là Bộ trưởng bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, thì khó đảm bảo tính minh bạch trong bổ nhiệm nhân sự, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cách làm như vậy là không chuyên nghiệp, không thúc đẩy tư duy cải cách DNNN.

Tin bài liên quan