Lời Tòa soạn: Nhìn vào sai phạm của nhiều tỉnh, thành phố phía Nam trong việc khai thác, cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, có thể thấy, sự chồng chéo của nhiều luật khiến chính quyền địa phương nhiều tỉnh “run tay”, dễ rơi vào cảnh dám làm hay không đều… trật luật. Thay đổi là cần thiết, bởi sẽ còn hàng loạt dự án trọng điểm tiếp tục triển khai, như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM...
Bài 1: Vừa đột phá, vừa... run
Sự chồng chéo của nhiều luật, khiến nhiều địa phương tiến thoái, không làm thì ảnh hưởng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, mà làm, lại vướng các quy định.
Quy hoạch thừa, nhưng cung cấp thiếu
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra số 189/KL-TTCP về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số tỉnh, khu vực phía Nam, cung cấp cho Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Theo đó, căn cứ hồ sơ thiết kế kỹ thuật do Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long lập, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp của Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m3 đất, nguồn cung cấp thuộc 14 khu mỏ với trữ lượng 25 triệu m3; Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là trên 3,9 triệu m3 đất, nguồn cung thuộc 5 khu mỏ trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh (Đồng Nai); Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là 495.600 m3 cát san lấp, nguồn cung là các mỏ của Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) và Công ty TNHH liên doanh Antraco (tỉnh An Giang).
So sánh với quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản ở cả 3 tỉnh nói trên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 - 2030, thì trữ lượng vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với nhu cầu các dự án cao tốc nêu trên. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Đồng Tháp cung cấp thông tin làm cơ sở để đơn vị tư vấn và chủ đầu tư các dự án làm dự toán công trình.
Nhưng tới thời điểm triển khai 2 dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (thời điểm sử dụng vật liệu san lấp là tháng 10/2020), các nhà thầu phải “kêu cứu” tới tận Trung ương, vì nguồn cung không đủ và chậm. Chỉ duy nhất Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu không gặp khó.
Hóa ra, khi triển khai 2 dự án cao tốc trên, khu vực khai thác khoáng sản được cấp phép hoạt động để cung cấp lại có trữ lượng vật liệu quá thấp so với nhu cầu (công suất khai thác tại Bình Thuận chỉ đạt hơn 1 triệu m3/năm, Đồng Nai đạt hơn 60.000 m3/năm). Trong khi đó, phần lớn trữ lượng vật liệu san lấp nằm ở khu vực quy hoạch, nhưng… chưa được cấp phép hoạt động, dẫn tới không đủ nguồn cung.
Áp lực phải đáp ứng tiến độ khiến thời điểm năm 2020, có nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã phải mua hàng trăm ngàn mét khối đất ở mỏ đá Núi Nứa (TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) với tổng chi phí (giá và chi phí vận chuyển…) cao gấp gần 2 lần so với giá được duyệt dự án (đất phục vụ Gói thầu số 4 có giá khoảng 80.000 đồng/m3, nhưng nhà thầu có lúc phải mua ngoài với giá tới 148.000 đồng/m3).
Tình thế khiến Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) phải gửi nhiều văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương, chính quyền tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nhanh chóng cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ dự án. Bộ Giao thông - Vận tải còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương căn cứ vào Luật Khoáng sản, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác đối với khoáng sản.
Địa phương vừa làm, vừa… run
Mỏ chưa được cấp phép thì không dám phát “lệnh” khai thác, nhưng trước áp lực vật liệu san lấp cho Dự án cao tốc Phan thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đã đột phá bằng giải pháp hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp tại 3 xã của 2 huyện với thời hạn tới ngày 31/12/2022.
Đến hết thời gian trên, các đơn vị đã khai thác hơn 1 triệu m3 đất cung cấp cho các gói thầu 3, 4 của Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Tuy nhiên, 2 gói thầu trên vẫn còn thiếu hơn 617.000 m3 đất, trong khi 4 khu vực được phép thu hồi vật liệu lại đã hết hạn khai thác. Tình huống buộc Bộ Giao thông - Vận tải có Văn bản số 14064/BGTVT-CQLXD gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị gia hạn. Nhưng Đồng Nai không dám chấp thuận, bởi đã đến thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra (tháng 2/2023), dù Thanh tra Chính phủ cũng có văn bản đề xuất Đồng Nai tiếp tục gia hạn khai thác.
Tới tháng 3/2023, trước kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1951/VPCP-CN tryền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện như đề xuất của Thanh tra Chính phủ là cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tới thời điểm đó, UBND tỉnh Đồng Nai mới “dám” ra Văn bản số 2748/UBND-KTN gia hạn khai thác theo phương pháp hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp.
Được khen đột phá, nhưng vẫn… trật luật
Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc quy hoạch thừa, nhưng cung cấp thiếu vật liệu san lấp 2 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết xuất phát từ 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, về chủ quan, việc khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ; không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho dự án; khi khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá đạt yêu cầu, nhưng sau khi công trình được khởi công, nhà thầu xác định không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án. Bên cạnh đó, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, chưa xác định hoặc chưa chuẩn bị được đầy đủ nguồn cung cấp vật liệu san lấp khi tham gia dự thầu và sau khi trúng thầu.
Tại UBND tỉnh Bình Thuận, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai sau cấp phép khai thác khoáng sản có thủ tục chậm trễ.
Thứ hai, về khách quan, có sự chồng chéo, “đá” nhau giữa các quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 51, Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với nhà đầu tư trong nước phải có quyết định chủ trương đầu tư.
Theo khoản 4, Điều 29, Luật Đầu tư năm 2020, để được cấp quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, trong khi theo điểm đ, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp thu hồi đất, mà nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân để có đất.
Sự chồng chéo, “đá” nhau giữa các quy định trên dẫn tới việc cấp phép khai thác khoáng sản rất mất thời gian. Trong trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân thì không thể thực hiện các thủ tục tiếp theo để khai thác vật liệu san lấp cho dự án dù là dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ có xác định cơ chế đặc thù, nhưng trình tự thủ tục hành chính đối với việc thăm dò, đánh giá trữ lượng, tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản… vẫn áp dụng theo quy định thông thường, nên mất nhiều thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bởi vậy, giải pháp của Đồng Nai khi vận dụng quy định tại Điều 9, Luật Đất đai để cho hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng kết hợp thu hồi vật liệu san lấp cho dự án… được Thanh tra Chính phủ đánh giá cao.
Thậm chí, trong kết luận, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị: “Việc cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án của UBND tỉnh Đồng Nai cần được cấp thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như một cơ chế đặc thù trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đưa ra các quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người có đất (đối với tài sản trên đất, thời gian ngừng sản xuất) và cộng đồng dân cư khu vực có vật liệu san lấp cần thu hồi (đường giao thông, an ninh trật tự, môi trường,…), của đơn vị thi công, tránh thất thu ngân sách nhà nước (quy định về giá vật liệu san lấp, tỷ lệ thu tiền cấp quyền).
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi vật liệu trên của Đồng Nai không được thực hiện theo các quy định tại Luật Khoáng sản, từ việc thăm dò, xác định các loại khoáng sản, bổ sung quy hoạch và cấp phép khai thác làm vật liệu thông thường. Có nghĩa là, Đồng Nai vi phạm Luật Khoáng sản, khi vận dụng Luật Đất đai.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm trễ và thiếu sót trong xác định nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Dự án cầu Mỹ Thuận cùng đường dẫn hai đầu cầu, trên cơ sở đó, có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Trường hợp phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm, thì xem xét có hình thức xử lý phù hợp theo quy định.
(Còn tiếp)