Việt Nam ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh
Kể từ ca nhiễm cộng đồng đầu tiên trong đợt này ở Hà Nam, rất nhanh, dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM. Số ca lây nhiễm tính đến cuối ngày 5/5, cũng đã lên tới hàng chục ca.
Chùm ca bệnh này còn đang diễn biến phức tạp, thì lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới ở Vĩnh Phúc, từ hôm 2/5, liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc. 14 ca đã bị phát hiện trong cộng đồng, liên quan đến chuỗi lây nhiễm này.
Tại Đà Nẵng, cũng đã bắt đầu xuất hiện ca lây nhiễm mới. Điều tra dịch tễ của các ca lây nhiễm trong cộng đồng cho thấy, sẽ còn có thêm ca bệnh khác được phát hiện trong những ngày tới.
Tình hình chưa đến mức bùng phát mạnh như đợt dịch hồi tháng 1/2021, mà vẫn đang trong tầm kiểm soát. Việt Nam cũng ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, đợt dịch này có thể sẽ không bùng phát dữ dội, gây tổn thất nặng nề.
Nhưng vẫn đang có những tin tức mỗi ngày khiến không ít người lo lắng. Vẫn có những thông báo khẩn được các cơ quan chức năng phát ra khiến lòng dân bồn chồn. Vẫn có những quyết định cho học sinh nghỉ học để chống dịch khiến các bậc làm cha, làm mẹ thương xót cho lũ trẻ, khi mà có thể, chỉ cần thêm vài ba ngày nữa, đã có thể hoàn tất kỳ thi học kỳ cuối cùng của năm học…
Dịch bệnh Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng vào ngày 29/4 khiến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 bớt phần sôi động và vui vẻ. Nhưng cũng còn may khi các ca mắc trong cộng đồng được phát hiện trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, để mọi người dân cẩn thận, nghiêm túc hơn trong phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nguyên tắc 5K.
Nhưng khi những ca bệnh xuất hiện, vì cùng một nguyên nhân: đã hết thời gian cách ly, xét nghiệm âm tính và di chuyển khá nhiều, dù theo nguyên tắc vẫn phải tiếp tục tự cách ly 14 ngày, đã cho thấy, có những vấn đề trong thực hiện các biện pháp kiểm soát cách ly. Có vấn đề trong khâu xét nghiệm dịch bệnh. Có vấn đề trong ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân…
Việt Nam, cho đến giờ phút này, có thể nói, đã thành công trong ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh. Song chúng ta cũng từng gặp tổn thất đau đớn khi lơ là, mất cảnh giác. Ngoài tổn thất về người, còn tổn thất rất lớn về kinh tế. Kinh tế Việt Nam đã chịu những tác động nghiêm trọng vì Covid-19, mà cho đến nay chưa hồi phục được.
Nền kinh tế chỉ vừa gượng dậy sau Covid-19. Hình ảnh các bãi biển, các khu du lịch đông đặc người trong dịp nghỉ lễ vừa qua đã cho thấy điều đó. Ở Vũng Tàu, riêng ngày 30/4 có hơn 70.000 du khách đến tắm biển. Đà Lạt chứa một “biển người” khoảng 125.000 du khách…
Ở điều kiện bình thường, đó là hình ảnh mang lại kỳ vọng cho nền kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch. Nhưng ở bối cảnh các ca nhiễm trong cộng đồng vừa xuất hiện, thì đó là nỗi lo không nhỏ, nhất là khi nhìn sang Ấn Độ, sang Lào, sang Campuchia và Thái Lan…
Nếu dịch bệnh lại bùng lên thì sao? Không chỉ là nỗi lo đối với sức khỏe và sinh mệnh người dân, mà còn là nỗi lo đối với nền kinh tế. Xin đơn cử một vài con số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, 4 tháng đầu năm, có tới 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nghĩa là trung bình, mỗi tháng có gần 12.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Cũng có nghĩa, mỗi ngày có 430 doanh nghiệp phải giã từ cuộc chơi trên thương trường.
Điều này cho thấy những tác động dai dẳng, khó lường của Covid-19 tới doanh nghiệp. Bồi thêm một cú sốc vì dịch bệnh nữa, danh sách doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ dài thêm.
Dịch bệnh vừa xuất hiện ở một số địa phương, các lệnh cấm đã được đưa ra. Cấm kinh doanh hàng quán vỉa hè, cấm quán bar, vũ trường, karaoke. Nhiều địa phương đã phải cho trẻ em học trực tuyến…
Những biện pháp đó là cần thiết, nhưng nỗi phấp phỏng, âu lo vì hậu quả của dịch bệnh cũng lại dày thêm. Đằng sau mỗi lệnh cấm đó, là thu nhập của người dân, là số phận của doanh nghiệp, là nguy cơ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế…