Đó cũng là những chia sẻ chung được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng ngày hôm nay (17/2).
Bất động sản đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, cơ chế và thanh khoản. Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường chỉ đạt 14%. Tháng 1/2023, kết quả đáng buồn hơn khi VARS nhấn mạnh: “Quá thấp, không đáng để thống kê”.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định không có chủ trương siết tín dụng bất động, nhưng thực tế hiện nay, theo chia sẻ từ phía các doanh nghiệp địa ốc, thị trường gần như không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ảnh hưởng rộng tới tất cả các nhóm đối tượng trên thị trường từ chủ đầu tư, đơn vị phân phối tới người mua nhà.
Tại Hội nghị sáng 17/2, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes cho biết, ông đánh giá cao việc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp kịp thời, từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ.
Nhìn nhận một cách khách quan, sự đi xuống của thị trường bất động sản có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước… Vì vậy, cần phải sớm giải quyết những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… tránh để thị trường đi quá xa.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland cho biết, các doanh nghiệp hiện nay thực sự không ngại vấn đề lãi suất, mà họ lo ngại về vấn cơ chế tiếp cận vốn và cần sự hỗ trợ mang tính chính thống qua việc ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục. Đặc biệt là vấn đề hoàn thiện pháp lý dự án, điểm gây tắc nghẽn trong suốt vài năm vừa qua của thị trường.
“Hiện tại, Novaland đang còn 25 ngàn tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường”, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ.
Trước thềm Hội nghị sáng 17/2, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản thông báo về cam kết của UBND TP.HCM, các sở, ngành về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ phía các doanh nghiệp vẫn mong chờ hơn có thể “từ bản thảo tới hành động” để gỡ khó ngay lập tức.
Trong kiến nghị tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, năm 2023 có tính quyết định “sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, Hiệp hội rất kỳ vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp như những người cùng trên một con thuyền phải cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội hiện nay.
Về vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, ông Châu cho biết, doanh nghiệp có khoản vay tín dụng sắp đáo hạn nếu không được cơ cấu lại nợ vay, không được giữ nguyên nhóm nợ thì có nguy cơ bị nhảy nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có khoản vay tín dụng đã bị xếp vào nợ xấu nhóm 2 hoặc nhóm 3 nếu không được khoanh nợ khoản nợ xấu này thì không thể tiếp cận được khoản vay mới để có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc bị nhảy nhóm nợ xấu hơn.
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GP.INVEST, chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư. Ngoài ra, vì với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi đề nghị về chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.