Từ ngoại tệ…
Bình luận về quyết định này, một vị quan chức ngân hàng nhận xét ngắn gọn: "Đau đầu". Đây là một bài toán khó cho ngân hàng khi lấy về trên 500 triệu USD vì chưa biết gửi vào đâu hoặc cho ai vay.
Động thái của ngân hàng nêu trên cũng sẽ diễn ra tại nhiều ngân hàng trong tuần này, bởi lẽ lãi suất NHNN trả cho khoản tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc đã xuống rất thấp.
Với Quyết định số 790/QĐ-NHNN đưa ra cuối tuần trước, kể từ ngày 3/4/2009, mức lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ gửi tại NHNN của các tổ chức tín dụng chỉ còn 0,1%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức 0,5%/năm trước đây.
Câu chuyện tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc tại NHNN được đặc biệt quan tâm, bởi lượng tiền gửi này chiếm tỷ trọng rất lớn trên tổng lượng tiền ngoại tệ huy động của các ngân hàng. Với trường hợp của ngân hàng nêu trên, tỷ lệ là trên 50%.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn bằng USD đang giảm, trong khi lượng tiền gửi vẫn tăng. Con số tổng lượng vốn cho vay bằng ngoại tệ giảm 2,24% và huy động tăng 3,6% trong quý I/2009 thể hiện điều đó.
Không thể để ngoại tệ huy động "tồn kho", các ngân hàng có hai sự lựa chọn là hoặc gửi ra nước ngoài, hoặc gửi vào NHNN.
Động thái của NHNN được các ngân hàng thương mại hiểu rằng, đó là việc NHNN "ép" các ngân hàng phải rút tiền gửi USD về. Ngân hàng thương mại kêu khó là hợp lý, nhưng NHNN cũng có lẽ riêng của mình. Không ai muốn chịu thiệt.
Mức lãi suất 0,5%/năm mà NHNN trả trước đây cho các khoản tiền gửi vượt dự trữ là một mức lãi suất tương đối cao nếu so với mức lãi suất trên thị trường quốc tế. Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện chỉ còn 0,25%. Các ngân hàng gửi tiền ra nước ngoài kỳ hạn dưới 3 tháng cũng chỉ nhận được lãi suất 0,2 - 0,3%/năm. Giảm cũng là hợp lý.
"Đầu ra" bị giảm lãi suất sẽ là áp lực buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất "đầu vào", tức là lãi suất huy động mà các ngân hàng trả cho khách hàng. Còn ngoại tệ thừa trước đây gửi tại NHNN có lẽ lại "đẩy" ra nước ngoài.
Diễn biến này còn có một ý nghĩa khác là "ép" các ngân hàng tích cực hơn trong việc mua trái phiếu ngoại tệ của Bộ Tài chính trong những đợt đấu thầu sắp tới. Thay vì phải đi phát hành trên thị trường quốc tế với lãi suất tới 9 - 10% thì phát hành trong nước chỉ phải trả trên 3% (trong 3 đợt đấu thầu mới đây, đợt 2 và 3 đều không đấu thầu được hết). Một công đôi việc.
...tới tiền đồng
Như đã phân tích ở trên, giảm lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ gửi tại NHNN cuối cùng sẽ làm giảm lãi suất huy động ngoại tệ nhanh hơn. Sự liên hệ mật thiết giữa lãi suất - tỷ giá khiến nhiều chuyên gia ngân hàng đang cho rằng, động thái của NHNN cuối tuần trước là một bước đệm để giảm thêm lãi suất cơ bản.
Về tỷ giá, đương nhiên là NHNN muốn đảm bảo không có sự biến động mạnh ngoài tầm kiểm soát. Để có được điều này, một yếu tố quan trọng là phải duy trì một khoảng cách nhất định giữa lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ và VND nhằm khuyến khích người dân giữ tiền VND.
Nhiều chuyên gia kinh tế và mới đây nhất là chuyên gia phân tích Khalil Belhimeur thuộc Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, việc giảm thêm lãi suất cơ bản là có thể xảy ra nhằm hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.
Trong vài tuần qua, thông tin cắt giảm thêm lãi suất cơ bản xuống 6% từ tháng 5/2009 đã lan truyền khắp hệ thống ngân hàng. Để có điều kiện cắt giảm lãi suất cơ bản mà không làm giảm sự "hấp dẫn" của tiền VND so với USD thì đương nhiên phải tác động làm giảm lãi suất tiền gửi USD trước.
Khi được hỏi về vấn đề cắt giảm thêm lãi suất cơ bản, nhiều ngân hàng tỏ ra quan ngại. Trong tình trạng vốn nội tệ huy động đang cần đẩy mạnh để phục vụ hoạt động tín dụng, nếu lãi suất cơ bản bị cắt giảm, trần lãi suất sẽ hạ thấp xuống tương ứng. Trong trường hợp lãi suất cơ bản chỉ còn 6% thì "dải lãi suất" của các ngân hàng sẽ bị thu hẹp đáng kể với lãi suất trần là 9%/năm.
Thông tin về việc lãi suất cơ bản có thể giảm được củng cố bằng động thái của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khi cơ quan này đang chuẩn bị có văn bản kiến nghị lên NHNN rằng không nên giảm lãi suất cơ bản.
Rõ ràng mức tăng trưởng kinh tế 3,1% trong quý I đang tạo thêm những sức ép cho các cơ quan quản lý. Những chính sách mới có thể gây đôi chút khó khăn cho các ngân hàng. Nhưng để hỗ trợ nền kinh tế thì các ngân hàng đôi khi cũng phải chịu thiệt một chút. Xem ra, việc một số ngân hàng công bố các mức lợi nhuận khả quan quá trong quý I có lẽ là… chưa nên. "Người ta trông vào" mới chỉ là một vế.