Đừng coi thường túp lều tranh

Đừng coi thường túp lều tranh

(ĐTCK) Cậu em nhắn tin chào, nói rằng đã quyết định nghỉ công việc làm báo để đi nuôi dê và làm nông nghiệp. Tôi quá xốn xang, thậm chí còn hồi hộp hơn cả người trong cuộc chưa biết chừng. Vì cái quyết định ấy không phải dễ với người trẻ đang sung sức trong nghề viết, nếu không nói là quá khó!

1. Cách nay vài năm, T chat trên facebook với tôi, khoe rằng em vừa mua được miếng đất đồi khá lớn nằm ở 1 tỉnh miền núi phía Bắc. Vốn còn mỏng, lại nặng gánh nuôi 3 đứa con, T hùn cùng vài người bạn nữa để làm trang trại chăn nuôi và trồng cây. Thời gian đầu vất vả lắm.

Vừa viết lách, công tác, vừa lo việc nhà, vừa chạy đôn chạy đáo lo cho trang trại. Mà vị trí đâu có gần Hà Nội, cũng xa tới vài trăm cây số chứ ít gì. Cuộc sống cơm áo gạo tiền kéo trì con người xuống. Loay hoay cũng hết năm hết tháng. Cây cũng lớn dần, đàn dê sinh sôi thêm vài chục con.

Cuối cùng, sau nhiều bài tính toán cân cân đo đo, thì cậu em thông báo nuôi dê sẽ cho năng suất tốt, thu về được kha khá tiền nếu đi đúng hướng. Cứ mỗi khi có em bé dê nào chào đời, T lại hồ hởi chụp hình gửi cho tôi coi. Chị ơi, chị coi đàn dê của em đã thêm nhiều thành viên nữa rồi. Và vườn cam cũng sẽ cho trái vào năm tới, năm tới…

Cứ như vậy, những kế hoạch của người trẻ, yêu thiên nhiên, dám dấn thân và cũng dám trả giá được bồi đắp hàng ngày. Tôi luôn háo hức với những tấm hình, những tin chat, cảm giác như nếu là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết yêu đời kia, thì phơi phới lắm trước niềm vui nhỏ bé và ngọt ngào. Không tìm đến những quán bar giải trí, không có những thú tiêu khiển chơi game, khung trời phía trước của T là những mầm cây trổ lá hàng ngày. Ngoài ra, cậu em vẫn là 1 phóng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tòa soạn.

Vì thế, khi T thông báo em sẽ rời công việc viết lách một thời gian để tập trung cho trang trại, cũng đủ khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Ở nơi khí hậu miền núi khá khắc nghiệt ấy, em liệu có đủ sự vững chãi để vượt qua được mọi khó khăn? Và với tư duy sắc sảo của người làm báo, liệu có quá uổng để em hàng ngày chỉ lo chuyện của nhà nông? Nhưng suy cho đến cùng, thì giá trị đích thực của cuộc sống mới là điều quan trọng. Và T, tôi tin là em đã tìm được đúng và trúng giá trị ấy rồi.

2. Cứ đến cuối tuần, hoặc đôi khi là cuối giờ làm việc, mọi người thường nhận được tin nhắn chạy tới quán A, quán B để nhậu xả stress. Chưa kể, đôi lúc ông chồng không về nhà, nhưng cần việc gì bàn cũng hẹn vợ ghé quán nhậu để tranh thủ một công đôi việc. Không có ngạc nhiên lắm, nếu bạn rơi vào trường hợp này.

Nhiều người thường than, xây căn nhà lớn vật vã, mà lại toàn để cho người giúp việc ở, chứ có mấy khi có mặt ở nhà đâu. Tủ lạnh mua chất đồ ăn ngập trong ngăn đá, nhưng mỗi tuần không có mặt đủ 2 ngày để ngồi ung dung nhàn nhã thưởng thức bữa ăn trong căn bếp dày công trang trí của nhà mình. Vậy thì xây nhà lớn để làm gì. Chỉ cần căn nhà tranh, tất nhiên là ẩn dụ vậy thôi - đương nhiên - cũng vẫn “bình thường như cân đường hộp sữa”.

Nếu dư tiền, thì bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, đừng vi phạm pháp luật và (một phần) đạo đức là được. Vì khái niệm đạo đức rộng lắm, không áp dụng một cách khiên cưỡng. Nhưng nếu chỉ có thu nhập vừa vừa, tìm niềm vui để sống, để luôn lạc quan, để thấy đời đáng yêu, đáng tận hưởng, thì rất cần biết cách. Giống như những khóa học xài tiền vậy đó.

Cũng như T, cậu em viết báo sắc sảo kia, em cũng đang biết cách để nâng niềm vui của cuộc sống đời thường, dù cho con đường đi khác biệt. Và ở đời, nếu coi thường túp lều tranh, bạn sẽ khó có cơ hội sở hữu villa tiện nghi, đẳng cấp. Nói thiệt!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan