Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các địa phương tham gia thí điểm taxi công nghệ, yêu cầu thống kê, rà soát chính xác số lượng tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới, nhằm hạn chế tình trạng bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện cơ quan quản lý đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car).
Theo số liệu của Vụ Vận tải, tính đến tháng 4, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia đề án thí điểm này vào khoảng hơn 13.500 xe với 235 đơn vị tham gia tại 3 địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hòa.
Về phía taxi truyền thống, hiện ở Hà Nội có 19.200 xe của 77 đơn vị kinh doanh. Hà Nội vẫn giữ nguyên quy hoạch taxi, giữ ổn định số lượng đến năm 2020 mà không cho bất kỳ đơn vị nào tăng thêm đầu xe. Thống kê sơ bộ của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, lượng xe “taxi công nghệ” đã lên tới con số 7.000 xe.
Còn tại TP.HCM, trong khi taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe từ nhiều năm nay, thì taxi công nghệ dù mới gia nhập thị trường đã gấp đôi con số này. Cụ thể, số lượng xe đến cuối tháng 4 tại đây là 22.000 xe. Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố thì con số này "vượt xa sức tưởng tượng của địa phương”.
Trước tình trạng số lượng xe taxi công nghệ tiếp tục gia tăng, tháng 4/2017, ngành giao thông 2 địa phương này đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải kết thúc đề án thí điểm taxi công nghệ với lý do vượt ngoài tầm kiểm soát tạo áp lực lên hạ tầng gia thông, gây ra sự thiếu công bằng với taxi truyền thống, đồng thời, gây khó khăn trong việc quản lý, xử phạt.