Ảnh Internet
Đó là thông tin được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ tại cuộc họp báo chuyên đề chính sách thuế, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/10.
Có hai hàm ý cải cách: giảm mức thuế phải đóng cho DN; đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó giúp DN tiết kiệm chi phí và thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế.
Ở khía cạnh thứ nhất, điểm cải cách nổi bật là Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung vào đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng... chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho DN (theo quy định hiện hành nếu những sản phẩm này được bán ở khâu thương mại phải chịu thuế GTGT với thuế suất 5%)...
Một điểm mới nữa theo hướng có lợi cho DN, là điều chỉnh quy định tỷ lệ tính tiền phạt chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế bằng 0,03%/ngày, thay vì như quy định hiện hành là 0,05%/ngày đối với số tiền thuế chậm nộp...
Ở khía cạnh thứ hai, để giúp DN tiết kiệm chi phí và thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội hướng cải cách: đối với hàng hóa sản xuất, xuất khẩu của những DN không vi phạm pháp luật, DN không thuộc đối tượng rủi ro cao về thuế, thì được hoàn thuế GTGT trước, kiểm tra sau...
Để phát huy ngay những nội dung cải cách mang tính cấp bách trên vào hỗ trợ DN, ông Thi cho biết, Chính phủ đã đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật từ ngày 1/1/2016, trừ những điều khoản có quy định thời hiệu cụ thể.
Như vậy, nếu những cải cách trên được Quốc hội thông qua, không lâu nữa DN sẽ được thụ hưởng các thành quả của nỗ lực cải cách chính sách thuế. Tuy nhiên, điều DN quan tâm nhất là làm sao các nội dung mới trên phải thực sự đi vào cuộc sống, thực sự hỗ trợ cho DN, chứ đừng là cải cách... trên giấy.
Mối quan ngại trên của DN xuất phát từ thực tế trong thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về những giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015 - 2016, ngành thuế đã ghi nhận số giờ nộp thuế, thủ tục hành chính… được cắt giảm khá mạnh, nhưng theo cảm nhận của các DN, không ít chỉ tiêu mới chỉ là cải cách… trên giấy.
Các DN vẫn phải đối mặt với nhiều thủ tục rườm rà, rủi ro lớn trong quá trình tuân thủ nghĩa vụ thuế. Đây là điều đáng suy ngẫm không chỉ với ngành thuế, nếu muốn thực sự đưa các nội dung cải cách thuế đi vào cuộc sống, phát huy tối đa các tác động tích cực, qua đó hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh.