Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Bloomberg)
Ngày 14/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức sẵn sàng thỏa hiệp về quỹ phục hồi châu Âu tại hội Hội nghị thượng đỉnh tới đây của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang ở thăm Đức, Thủ tướng Merkel cho biết :"Tất nhiên chúng tôi sẽ tới Brussels và phía Đức sẵn sàng thúc đẩy thỏa hiệp tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối tuần này."
Tuy nhiên, mặc dù mong muốn sớm đặt được kết quả nhanh chóng, song bà cũng lo ngại rằng "thời gian đang cấp bách" để lãnh đạo các nước thành viên EU có thể đạt được một thỏa thuận về các đề xuất cho khoản ngân sách dài hạn cũng như một kế hoạch kích thích kinh tế.
Do đó, bà cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo EU cần phải hành động trong một tình huống bất thường chưa từng xảy ra và học hỏi những kinh nghiệm có được từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh tháng 7 là tháng quyết định và khẳng định Tây Ban Nha sẽ làm mọi thứ vì điều đó.
Ông nhận định nếu Madrid một lần nữa hoãn thỏa thuận về quỹ phục hồi châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc hoãn tái thiết, dẫn tới cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mặc dù thừa nhận các cuộc đàm phán sẽ gặp nhiều khó khăn, song ông một lần nữa kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên EU khác nỗ lực để đạt được thỏa thuận.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ trong hai ngày 17-18/7 nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về việc thành lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD) nhằm giải quyết hậu quả kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo các nước EU kể từ khi hoạt động đi lại bị hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Dự kiến, trong quỹ hồi phục trên, EU sẽ dành khoảng 500 tỷ euro cho các nước bằng hình thức trợ cấp, số còn lại là cho vay.
Tuy nhiên, một số nước thành viên Bắc Âu gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Áo lại có xu hướng hạn chế chi tiêu. Những nước này đề xuất đưa ra các khoản vay với các điều kiện chặt chẽ kèm theo, thay vì các khoản hỗ trợ.
Đến nay, Italy và Tây Ban Nha là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 gây ra và cả hai đều cần hỗ trợ về mặt tài chính.