Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
Ngày 6/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, chứ không phải là trợ giá điện, chính là chìa khóa để giảm giá điện cho lĩnh vực công nghiệp đang rất “đói” năng lượng.
Các công ty công nghiệp tại Đức cho biết giá điện ở nước này đang quá cao so với các nước khác, khiến ngành công nghiệp nặng của Đức ở thế bất lợi so với các trung tâm sản xuất khác như Trung Quốc và Mỹ.
Trước thực tế trên, trong tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thuộc đảng Xanh đã công bố một kế hoạch trợ giá điện 6 xu/kWh cho đến năm 2030.
Tuy nhiên, ngày 5/5, Bộ Tài chính đã lập tức phản đối cơ chế trợ giá này, viện dẫn lý do không có ngân sách để thực hiện.
Phát biểu với báo giới khi đến thăm nhà máy điện địa nhiệt ở Kenya, khi được hỏi về cách tốt nhất để giảm giá điện, Thủ tướng Scholz cho biết: “Ngày nay đã có những vùng mà sản xuất điện rẻ như chúng ta muốn để hoạt động công nghiệp có thể thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu mà không cần trợ giá điện."
Theo Thủ tướng, để mở rộng điều này ra toàn nước Đức, cần nỗ lực để tăng các mạng lưới chuyển đổi điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.
Ông Scholz cho biết thêm: “Chúng ta đã biết rằng giá điện sẽ giảm hơn nếu đạt mục tiêu các loại năng lượng tái tạo chiếm ưu thế trong ngành sản xuất điện ở Đức."
Bộ Kinh tế cho biết đề xuất trợ giá điện có thể có hiệu lực từ năm 2030, tốn khoảng 25-30 tỷ euro theo giá thị trường hiện nay. Thủ tướng Scholz trước đó đã bày tỏ hoài nghi về sáng kiến này, cho rằng trợ giá lâu dài không có lợi cho nền kinh tế.