Thưa ông, xuất phát từ đâu Công ty CP Đức Long Đà Nẵng thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại đầu tư xây dựng Bến xe khách phía Nam TP Đà Nẵng?
Trước hết, Đức Long chúng tôi là một đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư xây dựng các bến xe. Gần đây nhất, chúng tôi đã xây dựng thành công 2 bến xe gồm Đức Long Gia Lai và Đức Long Bảo Lộc.
Chính vì vậy, khi được biết TP Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi đầu tư đồng thời có Quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng của thành phố giai đoạn đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 đã được HĐND TP Đà Nẵng phê duyệt, ban hành bằng văn bản ghi rõ: Bến xe khách liên tỉnh gồm bến xe khách liên tỉnh phía Bắc để phục vụ các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc.
Bến xe khách liên tỉnh phía Nam để phục vụ các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phí Nam, Tây Nguyên, Công ty Đức Long đã xin đầu tư nên làm tờ trình, đăng ký làm việc với lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng để báo cáo về việc quyết định đầu tư dự án Bến xe phía Nam Đà Nẵng.
Và chúng tôi đã rất vui mừng khi được lãnh đạo TP Đà Nẵng ủng hộ đầu tư bến xe phía Nam, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang giữ cương vị Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và nay là Trưởng ban Nội chính Trung ương. Trong quá trình đâu tư dự án, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và hợp tác nhiều mặt từ phía lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành và nhân dân huyện Hòa Vang.
Xin ông cho biết quy mô và tổng kinh phí xây dựng bến xe phía Nam mà Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đã thực hiện? Theo dự kiến, khi bến xe phía Nam đi vào hoạt động sẽ giải quyết được những vấn đề gì?
Bến xe Đức Long Đà Nẵng có diện tích trên 63.000m2, nằm sát quốc lộ 1A, được đầu tư trên 130 tỷ đồng, với hệ thống các công trình phụ trợ như ga hành khách, trung tâm điều hành, trung tâm thương mại dịch vụ được đánh giá là trong top hiện đại nhất cả nước được khánh thành vào tháng 6/2012.
Việc xây dựng Bến xe phía Nam nhằm hoàn thiện một phần quy hoạch của đô thị, cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 phục vụ nhân dân, hành khách đi lại các tuyến phía Nam và Tây Nguyên, giảm ùn tắc giao thông các phương tiện vào nội đô, chia sẻ và giảm chi phí đầu tư từ nguồn ngân sách .
Sau 2 năm khánh thành, bến xe vẫn đang bị bỏ phí, theo ông, nguyên do từ đâu khiến doanh nghiệp "ngã ngựa" và thiệt hại cho doanh nghiệp ra sao?
Đã gần 2 năm từ khi bến xe khánh thành, công ty chúng tôi đã gặp phải những khó khăn thuộc về cơ chế và trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng như chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân phía trước bến xe để tạo sự thông thoáng mặt tiền, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khi ra vào bến.
Điều quan trọng nhất là UBND TP Đà Nẵng đã không thực thực hiện đúng quy hoạch của thành phố là phân chia luồng tuyến vận tải khách hợp lý trên hai đầu bến xe Nam, Bắc.
UBND TP Đà Nẵng đã không thực hiện đúng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 do chính UBND TP Đà Nẵng ban hành, không đưa bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng ra phía Bắc quận Liên Chiểu để thành lập bến xe phía Bắc, không phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch mà ngược lại UBND TP Đà Nẵng còn ban hành văn bản số 3748/UBND-QLĐTh giao đất cho Công ty vận tải và quản lý bến xe Trung tâm thành phố thuê đất 50 năm để tiếp tục kinh doanh dịch vụ bến xe này cho thấy sự khuất tất và không bình thường.
Chúng tôi thấy rằng việc TP Đà Nẵng đối xử giữa nhà đầu tư của TP Đà Nẵng với các nhà đầu tư của tỉnh khác đến đầu tư tại TP Đà Nẵng là chưa công tâm và không công bằng.
Với số tiền đầu tư hơn 130 tỷ đồng xây dựng bến xe rồi bỏ trống suốt gần 2 năm, mỗi ngày doanh nghiệp lỗ 20 triệu đồng lãi ngân hàng, tổng thiệt hại đến thời điềm này hơn 20 tỷ đồng. Thêm vào đó là hơn 30 lao động của công ty mất việc làm, công trình xuống cấp dẫn tới nguy cơ không thể thu hồi vốn đầu tư. Doanh nghiệp chúng tôi đã trót đặt niềm tin vào chủ trương kêu gọi của chính quyền giờ bị "ngã ngựa".
Được biết, doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Bộ GTVT đề xuất được tháo gỡ vướng mắc, mong muốn nguyện vọng của doanh nghiệp với Bộ, với chính quyền Đà Nẵng như thế nào?
Là doanh nghiệp đã thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư của TP Đà Nẵng và luôn tuân thủ Quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng của TP Đà Nẵng nhưng bị chính quyền địa phương phớt lờ, chúng tôi chỉ mong muốn Bộ GTVT, chính quyền các cấp TP Đà Nẵng xem xét thực hiện dúng quy hoạch phát triển giao thông công chính TP Đà Nẵng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 do chính UBND TP Đà Nẵng ban hành.
Chúng tôi cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng phải xử lý dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe để tạo nên sự thông thoáng mặt tiền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khi ra vào bến.
Nếu những khó khăn trên không được chính quyền TP Đà Nẵng tháo gỡ kịp thời, chúng tôi sẽ đề nghị chuyển giao Bến xe phía Nam cho UBND TP Đà Nẵng và xin được hoàn lại vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư.
Trước sự khẩn cứu của Công ty CP Đức Long Đà Nẵng, một doanh nghiệp bị "mắc cạn" khi ''trót tin'' Quy hoạch phát triển đô thị của TP Đà Nẵng đổ hơn 130 tỷ đồng xây dựng bến xe phía Nam, Bộ GTVT đã có buổi họp bàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Phan Xuân Viên cho biết, tại buổi tiếp xúc với doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng các vụ, cục liên quan lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, báo cáo Bộ trưởng để đưa ra phương án cụ thể trong thời gian tới. "Thứ trưởng cũng cho rằng việc doanh nghiệp xây dựng bến xe phục vụ lợi ích xã hội, đặc biệt là một bến xe hiện đại, nếu bỏ trống là sự lãng phí, tổn thất cho bản thân người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bộ GTVT căn cứ vào thực tế, sẽ có những giải pháp, cùng với UBND TP Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Đức Long nói riêng và các doanh nghiệp hướng tới phân khúc này nói chung. Quan điểm của Bộ GTVT là vì lợi ích của cộng đồng, rồi mới đến phát triển kinh tế của doanh nghiệp", ông Viên cho biết. |