Theo đó, Đức Long Gia Lai xin trả chậm hơn 70 tỷ đồng tiền gốc cho lô trái phiếu 30122017-01, kỳ hạn 5 năm, ngày phát hành 30/12/2017 và ngày thanh toán theo kế hoạch là 30/12/2022. Tại ngày 30/06/2024, tổng số tiền gốc phải thanh toán là xấp xỉ 71,9 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/09, Công ty đã thanh toán 1,5 tỷ đồng nên số gốc còn lại là gần 70,4 tỷ đồng.
DLG cho biết, Công ty đang đàm phán và thoả thuận với nhà đầu tư trái phiếu để gia hạn và kéo dài thời gian trả nợ gốc, lãi theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến việc trả chậm là do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ.
Ở một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có lưu ý về khả năng cổ phiếu DLG bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, cổ phiếu bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 11/04/2024 do BCTC kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022 và 2023) có lợi nhuận sau thuế là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ 2 năm liên tiếp (2022 và 2023).
Ngày 28/09, HOSE đã nhận được BCTC riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 của DLG, theo đó, báo cáo vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Căn cứ theo quy định điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị quyết số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu DLG có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu BCTC kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến loại trừ.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024 của DLG. |
Trong nửa đầu năm 2024, Đức Long Gia Lai ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 594,7 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc. Điều này giúp cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 61 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 03/10, cổ phiếu DLG đang giảm 2,58%, xuống chỉ còn 1.890 đồng/CP.