Tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người đứng đầu Dubai.

Tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum, người đứng đầu Dubai.

Dubai: Từ A đến Z

Dubai đã đi từ chỗ là một ví dụ tiêu biểu về sự phát triển kinh tế bùng nổ tới bờ vực vỡ nợ như thế nào?

>> Liều thuốc dành cho Dubai chưa đủ mạnh

>> “Đại gia” bất động sản Dubai muốn xin khất nợ

Dưới đây là một bức tranh tổng thể với những nét chính về Dubai và cú sốc nợ của tiểu vương quốc này.

 

Dubai là một quốc gia thành viên, đồng thời cũng là thành phố cùng tên, thuộc Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). UAE bao gồm 7 tiểu vương quốc thành viên là Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Ajman, Umm al-Quwain, Ras al-Khaimah và Fujairah.

 

Trong số 7 tiểu vương quốc này, chỉ có Abu Dhabi sở hữu trữ lượng dầu lửa dồi dào. Dữ liệu do Economist công bố cho thấy, 90% trữ lượng dầu lửa của UAE tập trung ở Abu Dhabi. 

 

Ngoài ra, Abu Dhabi vừa là thành phố lớn thứ hai, vừa là trung tâm văn hóa-chính trị của UAE. Tiểu vương quốc này nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất trong nền chính trị của UAE như ngoại giao và quốc phòng. Trật tự này đã tồn tại kể từ khi UAE được thành lập năm sau khi người Anh rút quân khỏi vùng Vịnh vào năm 1971.

 

Tuy nằm trong UAE nhưng Dubai đã luôn duy trì được quyền tự trị của họ. Khi hiến pháp của UAE được soạn thảo, sự độc lập tương đối này của Dubai được công nhận, vì theo hiến pháp này, mỗi tiểu vương quốc của UAE được phép nắm quyền kiểm soát đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đường lối phát triển kinh tế của mình.

 

Theo thời gian, Dubai dần có sự sáp nhập chặt chẽ hơn vào UAE. Vào năm 1996, tiểu vương quốc này đã sáp nhập lực lượng quân đội của mình vào quân đội của UAE. Tuy nhiên, động thái này khi đó được xem là nhằm mục đích để UAE gánh giúp những khoản chi phí tốn kém, nhờ đó cho phép Dubai “nhẹ gánh” để theo đuổi những tham vọng kinh tế của riêng họ.

 

Gần như không có dầu lửa, niềm hy vọng duy nhất của Dubai để tạo vị thế bên cạnh tiểu vương quốc láng giềng giàu có Abu Dhabi là phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực như du lịch cao cấp và bất động sản. Và Dubai cũng đã gặt hái được không ít thành công với chiến lược này. Tới năm 2008, 95% GDP của Dubai là do du lịch và bất động sản đóng góp.

 

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính bùng nổ đã làm tất cả đảo lộn. Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Dubai đã đóng băng, còn tiểu vương quốc này thì mắc kẹt với những khoản nợ khổng lồ đã vay trước đó để đầu tư vào những siêu dự án, trong đó có hòn đảo nhân tạo hình lá cọ lừng danh.

 

Do có nghĩa vụ phải sớm thanh toán nhiều khoản nợ trong số này, từ đầu năm tới nay, Chính phủ Dubai đã liên tục nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn vay mới nhưng hầu như không thành công. May thay, Abu Dhabi đã có hai lần hỗ trợ vốn, tuy nhỏ giọt, cho Dubai vào tháng 2 và cách đây ít ngày.

 

Mặc dù vậy, thái độ của Abu Dhabi đối với vấn đề nợ của Dubai hiện đã rõ ràng. Các nhà chức trách Abu Dhabi ngày 29/11 đã khẳng định, họ sẽ không giúp Dubai trả hết nợ, mà sẽ chỉ lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp của Dubai trong trường hợp cần thiết. Như vậy, khả năng vỡ nợ cấp quốc gia của Dubai hiện đang là rất lớn.

 

Vấn đề lịch sử cũng được xem là có vai trò không nhỏ trong thái độ của Abu Dhabi trong cuộc khủng hoảng nợ này.

 

Từ khi cú sốc Dubai nổ ra, người đứng đầu Dubai là Tiểu vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum luôn yêu cầu báo chí ngừng đề cập tới tiểu vương quốc của ông và Abu Dhabi như hai thực thể riêng biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, dù cùng thuộc bộ tộc Bani Yas, nhưng hoàng gia Al Maktoum của Dubai và hoàng gia Al Nahyan của Abu Dhabi đã có lịch sử thù địch lâu đời.

 

Vào năm 1833, Dubai đã tách ra khỏi Abu Dhabi để dựa vào thực dân Anh. Trong thập niên 1940, xung đột vũ trang đã xảy ra giữa hai tiểu vương quốc láng giềng này. Gần đây hơn, sự cạnh tranh căng thẳng vẫn diễn ra giữa hai bên, bao gồm việc cả Dubai và Abu Dhabi cùng thành lập hãng hàng không quốc gia riêng của họ, bất chấp sự chồng chéo dễ dàng nhận thấy.

 

Trong số 80 tỷ USD tiền nợ hiện nay mà Dubai đang gánh, có 59 tỷ USD tiền nợ của Dubai World. Ước tính, các ngân hàng nước ngoài là chủ nợ của 12 tỷ USD trong số này.

 

Theo giới phân tích quốc tế, vụ chấn động Dubai có thể thúc đẩy giới đầu tư toàn cầu tháo chạy khỏi các thị trường có độ rủi ro cao để tìm tới trú ẩn trong những tài sản có độ an toàn cao. Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở, tương tự như khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ vào tháng 9/2008, giới đầu tư đã ồ ạt rời bỏ các thị trường mới nổi.

 

Ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương UAE đã tuyên bố bơm vốn khẩn cấp cho các ngân hàng của Dubai, đồng thời khẳng định sẽ hậu thuẫn các ngân hàng để tránh những tổn thất từ cú sốc Dubai, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng, động thái trấn an này chỉ là một phản ứng chính sách tối thiểu và sẽ chỉ có tác dụng tạm thời.

 

Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại, vụ Dubai sẽ có tác động tiêu cực tới các ngân hàng lớn của châu Âu vốn còn chưa thực sự hồi phục khỏi khủng hoảng. Giá cổ phiếu của những ngân hàng từng cho Dubai vay nhiều tiền như HSBC, Standard Chartered, Barclays, Royal Bank of Scotland… đã lao dốc mạnh trong tuần trước.

 

“Sự cố” Dubai còn là một bằng chứng rõ nét về hậu quả kéo dài của bong bóng bất động sản toàn cầu. Tại Mỹ, thị trường nhà đất vẫn chưa bình ổn trở lại và nhiều ngân hàng cả lớn lẫn bé vẫn đang vật lộn với những khoản nợ khó đòi ở lĩnh vực này.

 

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ của Dubai cũng ảnh hưởng tới hàng ngàn công nhân người nước ngoài đang làm việc ở đây, chủ yếu từ các nước Nam Á. Theo số liệu mà tờ New York Times đưa ra, 90% dân số ở Dubai là người nước ngoài. Đối tượng lao động này chắc chắn đối mặt với nguy cơ mất việc và thậm chí không có đủ tiền để về nước.

 

Tuy nhiên, Dubai không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đang gánh trên mình những khoản nợ khổng lồ. Nợ chính phủ hiện đang là vấn đề đáng lo ngại tại nhiều quốc gia ở Đông Âu, Ireland, Anh, Hy Lạp, Nhật Bản...

 

Tại Nhật Bản, nợ công đang tiến sát mốc 200% GDP. Thậm chí, theo nhà kinh tế học Nouriel Roubini, nợ chính phủ Mỹ sẽ tăng từ mức 40% GDP hiện nay lên 80%.