Đua nhau cải hoán vượt tải
Cho đến thời điểm này, TP.HCM là địa phương có số lượt xe quá tải bị xử lý lớn nhất nước. Số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, từ tháng 1/2013 đến nay, tại TP.HCM, các lực lượng chức năng đã xử lý 9.758 trường hợp xe quá tải (cao gấp 30 lần mức bình quân cả nước), xử phạt hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tiền phạt này không bõ bèn gì so với thiệt hại cả ngàn tỷ đồng do các công trình cầu đường bị hư hỏng do xe quá tải.
Không chỉ tại TP.HCM, tình trạng xe quá tải đang diễn ra trên khắp cả nước. Theo thống kê sơ bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có hơn 45.000 phương tiện thường xuyên chở quá tải, chủ yếu là những xe có trọng lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên, trong đó đa phần là ô tô tải tự đổ.
“Xe cơ giới có thùng hàng lớn để chở hàng quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và là nguyên nhân chính gây hư hỏng cầu, đường bộ”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, lái xe là thủ phạm trực tiếp phá đường khi chở quá tải, nên cần phải nghiêm trị hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thanh, lái xe vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, bởi trước sức ép của chủ hàng, chủ xe phải tìm mọi cách để giảm giá, nên lại ép lái xe chở quá tải để giảm chi phí. Vòng luẩn quẩn này chưa giải quyết được. Nguyên nhân nữa là, hiện đang cho nhập những xe trọng tải lớn quá khổ, quá dung tích. Vì vậy, cơ quan đăng kiểm phải không cho xe quá khổ, hoán cải có điều kiện chở quá tải lọt đăng kiểm.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, đây đều là những xe được nhập khẩu, sản xuất hoặc hoán cải trước ngày Thông tư số 07/2010/TT-GTVT quy định kích thước, tải trọng và hoán cải phương tiện cơ giới đường bộ có hiệu lực (giữa năm 2010).
Theo quy định, các xe cơ giới phải kiểm định định kỳ, thế nhưng, Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận, các chủ xe luôn tìm cách để qua mặt cơ quan đăng kiểm.
Tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, các chi cục đăng kiểm cho biết, có những cơ sở sửa xe chuyên đóng thùng hàng để cho các chủ xe thuê trước mỗi kỳ đi đăng kiểm. Phần lớn chủ xe sau khi “bóp” thùng đi đăng kiểm về lại tiếp tục “cơi nới” hoặc thay thùng hàng khác để chở được nhiều hơn.
Đó là lý do khiến nhiều đơn vị đăng kiểm đề xuất đưa ảnh xe kiểm định vào giấy chứng nhận kiểm định để hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát xử phạt trên đường.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, đã đến lúc, cần đưa việc sửa chữa, cải tạo xe cơ giới vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời cấm hành nghề đối với các cơ sở sản xuất thùng hàng, xi-téc để cho thuê đi kiểm định.
Cũng theo ông Hình, ngay trong quý I/2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ GTVT hoàn thiện việc sửa đổi Thông tư số 07/2010/TT-GTVT liên quan đến kích thước, tải trọng và hoán cải phương tiện cơ giới đường bộ để mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các phương tiện có nguy cơ thường xuyên chở quá tải.
“Cùng với việc thay đổi quy trình cấp phép hoạt động vận tải đối với xe quá tải, chúng tôi sẽ chỉ kiểm định khi xe có giấy phép”, ông Hình cho biết.
“Cầu cứu” công an vào cuộc
Trong khi chờ đợi sửa Thông tư số 07/2010/TT-GTVT, để cứu các tuyến đường khỏi bị vỡ nát dưới các bánh xe quá tải, Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Bộ Công an tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý xe quá tải.
Bộ này cũng đề nghị UBND các địa phương trong cả nước chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát và xử ký nghiêm các chủ xe vi phạm, đồng thời quy định giới hạn, phạm vi tuyến đường, thời gian cho xe có kích thước thùng hàng lớn, xi-téc lớn được phép hoạt động.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế xe quá tải, trong đó đáng kể nhất là đầu tư xây dựng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân xe lưu động cho các địa phương, song tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp.
“Tình trạng xe quá tải chỉ giảm ở những nơi có trạm kiểm tra hoạt động. Nhiều chủ xe, lái xe tìm mọi cách để tránh bị kiểm tra. Có chủ xe, chủ hàng còn phá hoại thiết bị cân xe như tại Hà Nam và Thừa Thiên Huế”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tổng cục kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án trạm cân tốc độ cao để phục vụ việc phân loại và xác định tải trọng xe ngay cả xe đang chạy tốc độ cao và áp dụng xử phạt nguội, đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành chế tài xử phạt nguội từ kết quả kiểm tra xe qua trạm cân tốc độ cao.
Cơ quan này cũng đề xuất Cục Đăng kiểm Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm tra đột xuất tình trạng an toàn kỹ thuật giữa hai kỳ kiểm định đối với các xe đang lưu hành trên đường, nhằm phát hiện hành vi tự ý thay đổi kết cấu, kích thước của xe để chở quá tải trọng.
Trong tổng số trên 61.000 ô tô tải tự đổ hiện nay, có gần 45.000 xe có thể tích thùng hàng vượt quá quy định, trong đó, có xe được hoán cải để có thể chở hàng với tải trọng vượt phép đến 300%.
Trong số 5.300 xe xi-téc trên cả nước, hiện có khoảng 3.000 xe có thể tích xi-téc vượt quá quy định. Đặc biệt, có xe xi-téc chở xi măng có thể tích vượt quá quy định tới 400%.
Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam