Đua vốn theo tin đồn, dễ mất

Đua vốn theo tin đồn, dễ mất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian qua, tin đồn giúp không ít cổ phiếu tăng giá nhanh và ngày càng thu hút dòng tiền. Khi tin đồn được xác thực là không chính xác, giá cổ phiếu giảm nhanh hơn giai đoạn tăng. 

Tin đồn tạo kỳ vọng

Bên cạnh những thông tin chính thức và sự kỳ vọng có cơ sở, trên thị trường chứng khoán thường xuất hiện các tin đồn liên quan tới doanh nghiệp, mang tính tích cực hoặc tiêu cực.

Trong giai đoạn thị trường hồi phục kể từ đầu tháng 4, tin đồn mang yếu tố kỳ vọng cải thiện hoạt động kinh doanh liên tục được giới đầu tư đón nhận, từ đó mua vào cổ phiếu, giúp giá chứng khoán hồi phục.

Khi giá chứng khoán tăng mạnh cùng với dòng tiền, giới đầu tư càng tin rằng, tin đồn có nhiều khả năng trở thành thành hiện thực và tiếp tục mua vào, điều này tạo nên những đợt tăng giá nối tiếp.

Mở đầu chuỗi tin đồn gần đây trên sàn chứng khoán là một nhóm nhà đầu tư muốn thâu tóm Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), cũng như muốn gián tiếp sở hữu Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức (Chợ nông sản Thủ Đức).

Được biết, TDH nắm giữ 49% vốn tại Chợ nông sản Thủ Đức với vốn đầu tư là 48 tỷ đồng. Công ty còn có nhiều dự lớn khác như Khu dân cư Cần Giờ, quy mô 29,8 ha; Toà nhà 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM, quy mô 1.238 m2; Khu đô thị Nam Cần Thơ, quy mô 51,32 ha; Khu nhà ở Golden Hill ở Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 8,68 ha. Trong năm 2019, TDH phát triển được 60 ha quỹ đất mới.

Ngay sau khi có tin đồn về việc bị thâu tóm, TDH quyết định sẽ thoái vốn tại Chợ nông sản Thủ Đức, ước tính thu về gần 88 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020 tổ chức ngày 26/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị TDH Lê Chí Hiếu cho biết, một nhóm nhà đầu tư cá nhân thuộc tổ chức lớn đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp, nhưng việc thâu tóm thất bại. Để đối phó với việc thâu tóm, doanh nghiệp có kế hoạch phát hành cổ phiếu và bán tài sản mà đối tác thù địch đang nhắm tới.

Các tin đồn tương tự trên thị trường như một nhóm nhà đầu tư mua Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Công ty cổ phần Sovico muốn mua Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC), một tập đoàn lớn trong nước sẽ mua Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA)… Tin đồn loại này đã tạo ra cho giới đầu tư những câu chuyện kỳ vọng và diễn biến giá cổ phiếu tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng thông tin sẽ chính xác.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán luôn có nhiều tin đồn, có tin đúng và tin sai. Tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm mà tin đồn sẽ dễ được nhà đầu tư đón nhận hơn. Trong đó, giai đoạn đầu tháng 4/2020 chứng kiến nhiều tin đồn xuất hiện và tạo sóng cho giá cổ phiếu.

Cụ thể, thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn bán tháo tháng 3/2020, nhiều cổ phiếu giảm giá sâu so với giai đoạn đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thị trường hồi phục với kỳ vọng kinh tế sẽ sớm tăng trưởng mạnh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều ngành nghề được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do cũng như làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam… Tuy nhiên, tác động từ Covid-19 dẫn tới thông tin đồn thổi về các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các tập đoàn, doanh nghiệp có tài sản lớn, dòng tiền gặp vấn đề và buộc phải tìm đối tác để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là nguyên nhân sâu xa cho những kỳ vọng có thể có chuỗi thương vụ M&A trên diện rộng trên sàn.

Kỳ vọng về câu chuyện M&A, giá cổ phiếu tăng và một số doanh nghiệp có động thái thể hiện hoạt động M&A có sự chuyển biến, giới đầu tư tin rằng, nhiều khả năng các thương vụ đang diễn ra nên dòng tiền hút vào các nhóm cổ phiếu này nhiều hơn, nổi bật là tại các mã ITA, DBC, STB.

Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường hồi phục, giới đầu tư kiếm được lợi nhuận. Khi có lợi nhuận, quyết định giải ngân của nhà đầu tư dễ dãi hơn. Thay vì tập trung xem xét hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, họ hướng tới những cổ phiếu thu hút dòng tiền, có câu chuyện riêng.

Các yếu tố trên đã hội tụ cho tin đồn lan ra và nhóm cổ phiếu tin đồn thu hút dòng tiền và tiếp tục tăng giá, dù thị trường trong tháng 6 có dấu hiệu đi ngang và điều chỉnh.

Tin đồn đa phần là tin giả

Trở lại với câu chuyện tại TDH. Khi tin đồn về thâu tóm lan rộng, giá cổ phiếu TDH có diễn biến tăng nhanh, nhưng sau khi doanh nghiệp công bố quyết định sẽ thoái vốn tại Chợ nông sản Thủ Đức, cổ phiếu này có áp lực chốt lời và dần giảm giá trở lại.

Đua vốn theo tin đồn, dễ mất  ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu TDH.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 26/6 và 29/6, giá cổ phiếu TDH lần lượt giảm 3,4% và 5,8%.

Ngoài tác động từ sự điều chỉnh của thị trường chung, thì ngày 26/6, tại ĐHCĐ năm 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị TDH Lê Viết Hải cho biết, việc thâu tóm thất bại khi doanh nghiệp tiến hành bán tài sản mục tiêu, cũng như dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để pha loãng tỷ lệ sở hữu, khiến giá cổ phiếu giảm nhanh.

Với cổ phiếu HBC, Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020 sáng 24/6 rằng, thông qua nghiên cứu danh sách cổ đông, ông khẳng định không có nhóm cổ đông nào đang thâu tóm Công ty. Ngay sau đó, cổ phiếu HBC có 4 phiên liên tiếp bị giới đầu tư bán ra, giá giảm từ mức 12.250 đồng/cổ phiếu ngày 23/6 xuống 10.000 đồng/cổ phiếu ngày 29/6, tức giảm 22,5%.

Đua vốn theo tin đồn, dễ mất  ảnh 2

Diễn biến giá cổ phiếu HBC.

Điều tương tự cũng diễn ra với các cổ phiếu khác: giá giảm trở lại sau khi tăng bởi tin đồn. Tuy nhiên, có những tin đồn chưa được xác thực, khiến giá cổ phiếu gần đây “lình xình” ở vùng giá cao như ITA, STB.

Đua vốn theo tin đồn, dễ mất  ảnh 3

Kịch bản chung về giá cổ phiếu có tin đồn trong quá khứ.

Nhìn chung, tin đồn trên sàn đa phần là tin giả, khiến giá cổ phiếu có diễn biến bất thường, nhà đầu tư nếu không tỉnh táo và thận trọng sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán từng có các tin đồn như thật như Vingroup mua Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Quốc Cường Gia Lai (QCG) triển khai dự án Phước Kiển và bán cho đối tác nước ngoài…

Đặc điểm chung của những cổ phiếu có tin đồn là thu hút dòng tiền và giá tăng nhanh. Khi tin đồn được xác thực là không chính xác, giá cổ phiếu có xu hướng giảm nhanh hơn giai đoạn tăng, thông thường bằng 1/3 thời gian tăng.

Theo đó, rủi ro được đẩy vào tay những nhà đầu tư không kịp thoát hàng, chấp nhận thua lỗ hoặc buộc phải chuyển sang vị thế đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.   

Tin bài liên quan