Đua theo ETF, nhà đầu tư ngậm trái đắng

Đua theo ETF, nhà đầu tư ngậm trái đắng

(ĐTCK) Bất ngờ được thêm vào danh mục của quỹ ETF VNM và FTSE, cổ phiếu BID đã có những phiên tăng trần. Rồi cũng bất ngờ hai quỹ này lần lượt công bố không đưa vào danh mục mua mới, BID lại liên tục đụng sàn. 

Các quỹ đầu tư thì giải thích họ tính toán nhầm lẫn, trong khi không ít nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay vì lỡ đua theo sóng ETF.

Đầu tuần này, thông tin BID được đưa vào danh mục đầu tư mới của Quỹ ETF Vietnam Market Vector (VNM) đã giúp cổ phiếu này liên tục tăng trần trong hai phiên, với mức tăng 14%. Theo công bố của VNM và FTSE, tổng số cổ phiếu BID mà hai quỹ cần mua thêm vào danh mục khoảng 43 triệu đơn vị trong vòng 2 tuần từ 7 - 19/9, gấp hàng chục lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên của cổ phiếu này. Vì lẽ đó, nhà đầu tư nội tranh nhau mua BID để đón cơ hội bán lại cho các quỹ ETF. Tổng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh thành công của BID trong hai ngày đầu tuần là gần 10,5 triệu cổ phiếu.

Đương nhiên, ngoại trừ “món quà bất ngờ” từ ETF thì BID không có thêm thông tin nào mới từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng.

Đua theo ETF, nhà đầu tư ngậm trái đắng ảnh 1

Đồ thị diễn biến giá cổ phiếu BID từ đầu tháng 9
 đến nay  

Tuy nhiên, nhà đầu tư lại được phen choáng váng khi có thông báo mới nhất từ quỹ ETF VNM vào tối ngày 15/9 (theo giờ Việt Nam) về việc sẽ không tiến hành thêm BID vào danh mục mua mới cho kỳ review của quý III/2015. Giá BID đã bị giảm sàn về 26.600 đồng/CP sau 2 phiên tăng trần trước đó. Chiều ngày 16/9, FTSE cũng nối gót VNM khi công bố FTSE Vietnam Index chỉ thêm hai cổ phiếu PDR và TTF vào danh mục, không thêm BID.

Theo đó, BID đã có một phiên mất thanh khoản, với dư bán giá sàn có lúc lên đến hơn 8 triệu cổ phiếu trong phiên 16/9; phiên sáng 17/9 tiếp tục chất sàn khoảng 6 triệu đơn vị, thanh khoản cổ phiếu BID gần như đóng băng.

Nguyên nhân của việc “hết thêm vào lại bỏ ra” được các quỹ lý giải là do đã có tính toán nhầm lẫn về số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do của BID là 718 triệu cổ phiếu, dẫn đến tính sai về tỷ lệ free float của BID là 21%, cộng thêm yếu tố thanh khoản và vốn hóa đạt yêu cầu nên BID được quyết định thêm vào danh mục.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của BID trên thị trường chỉ có 120 triệu cổ phiếu, vì 337 triệu cổ phiếu hoán đổi của MHB vẫn chưa niêm yết và 276 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ gần 8,6% vẫn chưa lưu hành. Điều này dẫn đến, tỷ lệ free float thực của BID chỉ là 4,2%, không đủ điều kiện tỷ lệ free float tối thiểu của các quỹ.

Với sự nhầm lẫn trên, những NĐT đua trần hai phiên đầu tuần đã “bốc hơi” trong tài khoản 14%, đặc biệt là những NĐT mua trần phiên thứ Ba (ngày 15/9) lại càng nóng ruột khi hàng chưa kịp về tài khoản đã “bốc hơi” luôn 7% trong phiên ngày hôm sau. Áp lực bán sàn vẫn tiếp diễn, hơn nữa, trong tổng số 6,7 triệu cổ phiếu BID được khối ngoại mua trong phiên 15/9, có khoảng 5,98 triệu cổ phiếu BID do Quỹ VNM mua vào. Do đó, áp lực bán ra được dự báo sẽ gia tăng, ít nhất trong 1-2 phiên nữa khi mà quỹ này sẽ phải bán ra lượng cổ phiếu này nhằm đảm bảo tỷ lệ.

Vậy, không lẽ CTCK, với một đội ngũ chuyên gia phân tích, có đủ cơ sở dữ liệu trong tay lại không nhận ra sự nhầm lẫn của hai quỹ ETF?

Trao đổi với ĐTCK, một số CTCK cho biết, các công ty đều tính toán đúng tỷ lệ free float của BID, chính vì vậy, trong các dự báo về danh mục của quỹ ETF gửi NĐT, các CTCK đều không đưa BID vào rổ. Tuy nhiên, khi VNM công bố sẽ thêm BID là thông tin hoàn toàn bất ngờ và chính sự bất ngờ này khiến các nhà đầu tư chưa gom cổ phiếu BID đổ xô đua trần hai phiên đầu tuần.

Trưởng phòng phân tích một CTCK lại có cách lý giải khác: bản thân các CTCK cho rằng, các quỹ ETF dù đưa ra những tiêu chuẩn chọn cổ phiếu, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Do vậy, với BID, họ nghĩ rằng, đây cũng là một trường hợp ngoại lệ của các quỹ ETF. Cái khổ của nhà đầu tư trong trường hợp này, chính là diễn biến thông tin quá nhanh, khiến họ trở tay không kịp, muốn bán cắt lỗ cũng không thể bán được bởi thanh khoản đóng băng.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng phân tích CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), khả năng cổ phiếu BID sẽ có thanh khoản trở lại khi thị giá về vùng giá mà thông tin về ETF VNM chưa tác động.

Rủi ro từ việc đua theo sóng ETF nhà đầu tư không phải không biết, nhưng khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư mỗi khác nên mỗi kỳ đảo danh mục của các quỹ ETF lại tạo ra những đợt sóng cho các cổ phiếu có tiềm năng hoặc được các quỹ công bố mua vào. Trong trường hợp nhầm lẫn này của các quỹ, chưa biết quy trách nhiệm cho đối tượng nào, nhưng thiệt hại thực tế thì nhà đầu tư lãnh đủ.

Tin bài liên quan