Thị trường Việt Nam với dân số trẻ, ưa thích công nghệ sẽ có cơ hội phát triển những hình thức thanh toán hiện đại

Thị trường Việt Nam với dân số trẻ, ưa thích công nghệ sẽ có cơ hội phát triển những hình thức thanh toán hiện đại

Đưa thẻ thanh toán thương hiệu Việt vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Cùng với các ngân hàng, NAPAS đang nỗ lực thúc đẩy mở rộng phạm vi sử dụng, hoàn thiện các tính năng sản phẩm để thẻ thanh toán Việt Nam ngày càng trở nên thuận tiện, an toàn, dễ dàng đi vào cuộc sống hàng ngày”, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS chia sẻ.

Đồng bộ tiêu chuẩn thẻ, đồng nhất nhận diện thẻ thanh toán Việt Nam

Ngày 25/1/2021, lần đầu tiên thị trường thẻ Việt Nam có đầy đủ bộ sản phẩm thẻ (thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng) theo TCCS do NHNN ban hành. Chia sẻ về câu chuyện “lần đầu ấy”, ông sẽ nói gì?

Các sản phẩm thẻ nội địa gồm thẻ trả trước, ghi nợ và tín dụng đều đã được một số ngân hàng phát triển từ trước, nhưng theo tiêu chuẩn riêng của mỗi ngân hàng. Việc ra mắt thẻ chip tín dụng nội địa và thẻ chip trả trước nội địa vào cuối tháng 1/2021 đã góp phần hoàn thiện các dòng sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng một cách đầy đủ nhất trong hành trình phát triển của thị trường thẻ Việt Nam hơn 20 năm qua.

Đánh dấu bước trưởng thành của thị trường cả về hạ tầng công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và tính liên thông chặt chẽ, tạo tiền đề phát triển mở rộng hệ sinh thái thanh toán thẻ nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung đáp ứng các quy định an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Riêng đối với thẻ tín dụng nội địa, theo số liệu Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam từ 2017 đến 2020, tổng số lượng thẻ tín dụng nội địa do các ngân hàng phát hành (chưa tuân theo TCCS của NHNN) giảm 10% về số lượng thẻ đang lưu hành (thẻ đang hoạt động giảm, thẻ “ngủ đông” tăng) và giảm 36% về số lượng phát hành mới, nhưng tổng doanh số sử dụng thẻ tín dụng nội địa vẫn tăng trưởng 25%. Số liệu trên cho thấy nhu cầu chi tiêu, thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa chưa được quan tâm phát triển tương xứng với tiềm năng.

Như vậy có thể hiểu, bộ tiêu chuẩn TCCS do NHNN ban hành là bước ngoặt lớn cho thị trường thẻ Việt Nam?

Đúng vậy, đây là một dấu mốc có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường thẻ thanh toán, bởi với nền tảng tiêu chuẩn đồng nhất và bộ sản phẩm thẻ đầy đủ, các chủ thể trong hệ sinh thái thanh toán thẻ có khả năng xây dựng các sản phẩm thanh toán liên thông với các lĩnh vực cung ứng dịch vụ đặc thù như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục…, góp phần phổ cập tài chính toàn diện cho mọi đối tượng người dân Việt Nam.

Tới đây, NAPAS sẽ phối hợp với các ngân hàng đưa ra dòng sản phẩm thẻ chip nội địa 2 trong 1 ("dual card") - giải pháp cho phép tích hợp 2 loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trên cùng một thẻ vật lý, lần đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.

Thẻ tín dụng không còn là một sản phẩm xa xỉ đối với đại bộ phận dân cư bởi những quy định khá cao về tiêu chuẩn phát hành và chi phí của thẻ tín dụng quốc tế. Công nhân, sinh viên, người có thu nhập trung bình và thấp đều có thể được phát hành thẻ tín dụng nội địa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng phát sinh trong tháng khi chưa có lương.

Thị trường Việt Nam, với dân số trẻ, ưa thích công nghệ sẽ có cơ hội phát triển những hình thức thanh toán hiện đại, phù hợp với giới trẻ, tiện lợi nhưng cũng rất an toàn, bảo mật. Với TCCS thẻ chip nội địa của NHNN, các công nghệ thanh toán mới được NAPAS phối hợp với các Ngân hàng hoàn toàn chủ động triển khai, chủ động thiết kế những sản phẩm thanh toán phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp của mỗi ngân hàng, không phụ thuộc vào những nhà cung cấp thiết bị, giải pháp trên thị trường. Bài toán ứng dụng thanh toán thẻ trong giao thông là một ví dụ điển hình, NAPAS trong vai trò đơn vị đầu mối kết nối, đưa công nghệ thanh toán thẻ ngân hàng ứng dụng trong thanh toán giao thông công cộng, một giải pháp mới chỉ được triển khai ở một số các nước tiên tiến trên thế giới.

Song song với việc hỗ trợ các ngân hàng đưa ra các sản phẩm thanh toán mới, hàng năm NAPAS luôn đồng hành cùng các ngân hàng triển khai các chương trình marketing truyền thông, miễn/giảm phí dịch vụ nhằm khuyến khích, thúc đẩy thanh toán chi tiêu bằng thẻ nội địa, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, NAPAS đã triển khai nhiêu chương trình ưu đãi miễn, giảm trực tiếp phí dịch vụ đối với các giao dịch rút tiền mặt qua ATM và thanh toán thẻ.

Gắn kết người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng

Trong bối cảnh đại dịch Covid như hiện nay, NAPAS và các ngân hàng thương mại có kế hoạch phát triển các sản phẩm thẻ nội địa như thế nào?

Thời gian vừa qua, hơn 100 triệu thẻ thanh toán ghi nợ nội địa được phát hành và thị trường chấp nhận rộng rãi với 50 ngân hàng tham gia vào mạng lưới chuyển mạch. Đầu năm 2021, NAPAS đã chính thức công bố sản phẩm thẻ chip tín dụng và thẻ chip trả trước nội địa với sự tham gia của 7 ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên. Sắp tới, thẻ tín dụng nội địa sẽ được các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng ưu tiên sử dụng vì chi phí thấp và mạng lưới rộng nhất. Còn thẻ trả trước phù hợp với các chi tiêu hàng ngày có giá trị nhỏ lẻ với yêu cầu thời gian xử lý nhanh, phù hợp với dịch vụ giao thông công cộng, thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi...

Theo ông Hưng, Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (TCCS) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành năm 2018 đã đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho các tổ chức phát hành và thanh toán thẻ cung cấp sản phẩm thẻ chip nội địa đa năng, đa tiện ích, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán thẻ Việt Nam với tính mở cao. Việc đồng nhất nhận diện thương hiệu thẻ chip nội địa của các ngân hàng thông qua logo NAPAS trên mặt trước của thẻ nhằm hỗ trợ khách hàng dễ dàng nhận biết mạng lưới ATM/POS và thanh toán thẻ không chỉ tại Việt Nam, mà còn tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua các kết nối chuyển mạch quốc tế mà NAPAS đang triển khai.

Tại thị trường Việt Nam tồn tại nhiều phương tiện và hình thức thanh toán khác nhau, tuy nhiên thanh toán thẻ vẫn được chấp nhận rộng rãi và tăng trưởng ấn tượng. Số liệu ghi nhận qua hệ thống NAPAS cho thấy, năm 2020, thế giới và Việt Nam tiếp tục đối diện với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhưng thanh toán thẻ tại các đơn vị bán hàng (POS) và thanh toán thẻ qua cổng thanh toán đã đáp ứng yêu cầu thị trường, tổng giá trị giao dịch qua thẻ tăng trưởng phù hợp với hành vi mua sắm, chi tiêu của người dân đó là hạn chế giao dịch trực tiếp, tăng giao dịch trực tuyến, đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn cho cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. So với cùng kỳ 2019, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS tăng trưởng tới 27%, tổng giá trị giao thanh toán thẻ qua cổng thanh toán điện tử NAPAS tăng trưởng 106%. Xu hướng trên thế giới, thẻ thanh toán sẽ có sự tiến hoá, được nhúng vào trong điện thoại di động. Như vậy, bên cạnh hình thức thẻ nhựa truyền thống, trong thời gian tới, thẻ thanh toán sẽ được tích hợp điện thoại thông minh, giúp nâng cao được trải nghiệm khách hàng thông qua sự tiện lợi của thanh toán di động và an toàn giao dich.

Trên nền tảng tiêu chuẩn thống nhất về thẻ chip nội địa của NHNN, NAPAS đã hỗ trợ các ngân hàng hoàn thiện đầy đủ các dòng sản phẩm thẻ với công nghệ an ninh an toàn bảo mật quốc tế, gồm thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng.

Ngày 14/4/2021 vừa qua, NAPAS và VietinBank đã ký kết hợp tác triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa 2Card lần đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam, phù hợp với TCCS của NHNN nhằm đơn giản hóa các thủ tục, quy trình phát hành thẻ cho khách hàng đáp ứng đa dạng nhu cầu chi tiêu, mua sắm của khách hàng, tăng tính tiện lợi và an toàn trong quá trình sử dụng thẻ. Đây là dòng sản phẩm thẻ kép (Dual Card) - giải pháp cho phép tích hợp 2 loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trên cùng một thẻ vật lý, được áp dụng công nghệ thanh toán tiên tiến nhất và hoàn toàn do Việt Nam làm chủ. Trong đó, một chip của thẻ ghi nợ nội địa và một chip của thẻ tín dụng nội địa. Trong thời gian tới đây, NAPAS sẽ phối hợp với các ngân hàng phát triển dòng sản phẩm thẻ chip nội địa 2 trong 1 phù hợp với từng nhu cầu chi tiêu của người dùng từ các phân khúc khách hàng lần đầu dùng thẻ tín dụng.

Thanh toán trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế

Thanh toán trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế

Cùng với lộ trình phát triển của hệ thống ngân hàng, ông có thể cho biết chiến lược của NAPAS giai đoạn 2021 - 2025?

Số liệu thống kê qua hệ thống NAPAS cho thấy, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM qua NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020, phản ánh kết quả hiện thực hoá các nội dung đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và NHNN thời gian qua.

Với tầm nhìn trở thành Mạng lưới thanh toán quốc gia đáng tin cậy nhất, thực hiện sứ mệnh gắn kết người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng bằng các sản phẩm thanh toán sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày; NAPAS đã xây dựng Chiến lược phát triển Công ty đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, tập trung vào các mục tiêu chính sau:

Một là, tiếp tục vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, bảo đảm an toàn an ninh, ổn định, thông suốt; nghiên cứu triển khai các chính sách chương trình ưu đãi về phí dịch vụ chuyển mạch nhằm đồng hành với các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, khuyến khích thanh thanh toán không dùng tiền mặt;

Hai là, xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ phục vụ ngân hàng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ; nghiên cứu triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế được hưởng những tiện ích thanh toán hiện đại, bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững cho nền kinh tế.

Ba là, phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2016 của NHNN; xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa với các sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng, thẻ trả trước nội địa, thẻ tín dụng nội địa, thẻ “dual card” …

Bốn là, triển khai tích hợp kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tiếp tục mở rộng hình thức thanh toán và phạm vi kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; ưu tiên đối với các dịch vụ công thiết thực cho người dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, thuế điện tử.

Năm là, hợp tác với các Tổ chức thẻ Quốc tế Visa, MasterCard, JCB, UnionPay, DFS triển khai chuyển mạch các giao dịch thẻ quốc tế cho thanh toán xuyên biên giới theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN, hoàn thành việc triển khai kết nối với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ việc sử dụng thẻ nội địa ở nước ngoài.

Sáu là, tập trung nghiên cứu ứng dụng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào cung ứng dịch vụ và công tác quản trị nội bộ; nghiên cứu đánh giá toàn diện các nhu cầu dùng chung phục vụ chuyển đổi số, triển khai ngân hàng số của các tổ chức tín dụng; tập trung xây dựng các giải pháp phân tích dữ liệu, cảnh báo, phòng ngừa phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đáp ứng yêu cầu an ninh, an toàn, bảo mật và phòng ngừa rửa tiền trong hoạt động thanh toán.

Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) thẻ chip nội địa do NHNN ban hành năm 2018 là bộ tiêu chuẩn thẻ tuân thủ đầy đủ các yếu tố về an toàn và bảo mật của EMV, giúp giảm thiểu các giao dịch gian lận, giả mạo tại Việt Nam. TCCS thẻ có các tính năng bảo mật vượt trội hơn rất nhiều so với thẻ từ hiện nay. Các ngân hàng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm đảm bảo đến năm 2021, toàn bộ thẻ từ nội địa (thẻ ATM) trên thị trường được thay thể bằng thẻ chip tuân theo TCCS của NHNN.

Việc ban hành TCCS thẻ chip nôi địa và định nghĩa được đầy đủ bộ sản phẩm thẻ thanh toán, Việt Nam đã chính thức có được một nền tảng hạ tầng cho thẻ một cách đầy đủ nhất, bắt kịp với tốc độ phát triển về mặt công nghệ so với các tổ chức thẻ quốc tế. Chỉ khi có một nền tảng tiêu chuẩn kỹ thuật đồng nhất, Việt Nam mới có điều kiện để xây dựng một hệ sinh thái đúng nghĩa cho các hoạt động thanh toán, tạo một sân chơi chung cho các njgân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, công nghệ tại Việt Nam.

Tin bài liên quan