Nhiều dự án khu công nghiệp mới đang thành hình.

Nhiều dự án khu công nghiệp mới đang thành hình.

Đua tạo lập quỹ đất khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phân khúc bất động sản khu công nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao trong thời gian dài, là điểm sáng hiếm hoi của thị trường ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất và hiện tại, cuộc đua tạo lập quỹ đất, phát triển dự án khu công nghiệp vẫn tiếp diễn…

Cuộc đua “mở cõi” tiếp diễn

Thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến tích cực khi các “tay chơi” liên tục mở rộng quy mô.

Đơn cử, chỉ trong vài tháng, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Western Pacific đã phát triển thêm 3 khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, bao gồm Khu công nghiệp Đồng Văn VI và Khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1 (đều tại tỉnh Hà Nam); Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1 (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

Một cái tên quen thuộc khác là Viglacera cũng có thêm dự án Khu công nghiệp Trấn Yên giai đoạn 1 (tỉnh Yên Bái), quy mô diện tích 54.59 ha vào cuối tháng 11/2024. Trước đó, vào đầu tháng, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera Yên Mỹ - công ty con do Viglacera sở hữu 60% vốn, được UBND tỉnh Khánh Hoà giao thực hiện dự án Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng quy mô 288 ha.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD - một thành viên trong hệ sinh thái Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc) đã hoàn thành việc tăng vốn để phát triển Khu công nghiệp Lộc Giang (huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng (được giao từ tháng 2/2024).

Được biết, tại thời điểm cuối năm 2023, Công ty Sài Gòn Tây Bắc có vốn điều lệ 750 tỷ đồng. Đến tháng 10/2024, doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.181 tỷ đồng. Đây được xem là sự bổ sung cần thiết để đáp ứng mức vốn góp mà nhà đầu tư Khu công nghiệp Lộc Giang phải thực hiện.

Thực tế, phân khúc bất động sản khu công nghiệp đã cho thấy sức hấp dẫn trong một thời gian dài. Kể cả giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, đây vẫn là phân khúc thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những cái tên như Fraser, Amata, VSIP, BW, Core5… liên tục thể hiện sự hứng thú đối với phân khúc này. Theo đó, tốc độ phát triển dự án của nhóm nhà đầu tư này cũng rất ấn tượng.

Mới đây, 3 nhà đầu tư gồm WHA Industrial Development 2 (SG) Pte. Ltd., Công ty TNHH WHA Industrial Management Services Việt Nam, Công ty cổ phần WHAUP Nghệ An - thuộc WHA Industrial Development 2 (SG) Pte. Ltd. (Thái Lan) đã chính thức gia nhập thị trường với dự án Khu công nghiệp WHA Smart Technology (tỉnh Thanh Hóa). Dự án có quy mô hơn 178.5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD.

Sức hút bền bỉ

Theo giới quan sát, Việt Nam đang ghi ấn tượng sâu sắc với các nhà đầu tư quốc tế khi duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong thời gian dài. Cùng với đó là việc được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương cũng như cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Tất cả những điều này đặt Việt Nam trước cơ hội thu hút ngày càng mạnh mẽ dòng vốn đầu tư ngoài biên giới.

Hai mươi năm qua, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những “ngôi sao” sáng giá nhất ở khu vực Đông Nam Á trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu như năm 2005, thị phần thu hút FDI của Việt Nam chỉ chiếm 13%, thì đến năm 2024 đã tăng lên 37%, theo Cushman & Wakefield Việt Nam.

Nhu cầu khả quan tới từ nhóm ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn, ô tô và phụ tùng. Ảnh: Dũng Minh.

Nhu cầu khả quan tới từ nhóm ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn, ô tô và phụ tùng. Ảnh: Dũng Minh.

“Sự tăng trưởng phi thường này nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay.

Những năm gần đây, Việt Nam được hưởng lợi lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái thiết lập mạnh mẽ. FDI tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp toàn cầu chọn Việt Nam làm cứ điểm, từ đó kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh và khiến nhu cầu thuê đất, kho xưởng công nghiệp tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng đầu năm 2024 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% - cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Thực tế này đã kéo theo sự hưng phấn cho thị trường bất động sản khu công nghiệp. Chẳng hạn, tại phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 tiếp tục xu hướng tăng khi nguồn cầu và mức hấp thụ được duy trì khả quan.

Giá thuê trung bình tại thời điểm cuối quý III/2024 đạt 137 USD/m2/kỳ hạn, tăng 2,2% theo quý và 4,6% theo năm. Diện tích hấp thụ trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 330 ha, giúp tỷ lệ lấp đầy trung bình các địa phương trọng điểm miền Bắc đạt 80%.

Với phân khúc nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, đến hết quý III/2024, tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn tại các địa phương cấp 1 đạt 91% - tăng 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nhu cầu tích trữ hàng hóa phục vụ dịp lễ tết cuối năm giúp tỷ lệ hấp thụ của nhà kho xây sẵn cải thiện, tăng gấp 2 lần so với quý trước đó, đạt 67.000 m2. Tỷ lệ lấp đầy đạt 80% - tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Do nhu cầu ổn định và tỷ lệ lấp đầy khả quan hơn, mức tăng giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng rõ ràng hơn so với nhà kho xây sẵn. Giá thuê trung bình của nhà xưởng xây sẵn tới cuối quý III/2024 đạt 4,87 USD/m2/tháng, tăng 1,9% so với cùng kỳ, còn giá thuê kho xây sẵn ở ngưỡng 4,62 USD/m2/tháng, tăng 0,2%.

Dự báo, trong 3 năm tới, tại phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tăng 4-8%/năm; giá thuê nhà kho/nhà xưởng xây sẵn tăng 1-4%/năm, trong đó nhà xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn. Nhu cầu khả quan tới từ nhóm ngành điện tử, công nghiệp bán dẫn, ô tô và phụ tùng. Đây sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của thị trường bất động sản khu công nghiệp phía Bắc.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, CBRE quan sát thấy nhiều dự án kho xưởng cao tầng bắt đầu được triển khai tại miền Bắc, tọa lạc ở các vị trí kết nối thuận tiện với Hà Nội và giá thuê đất công nghiệp cao đã xuất hiện.

Theo ông Vũ Công Trụ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution, không khó để nhận ra các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp đang tích cực mở rộng quy mô, số lượng dự án. Cuộc đua này diễn ra không chỉ với các doanh nghiệp nội, mà khối ngoại cũng rất hào hứng nhập cuộc.

Ông Trụ cho rằng, việc các bên đẩy mạnh phát triển dự án khu công nghiệp là điều dễ hiểu, bởi Việt Nam đang là thị trường đầu tư ổn định và mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, ông Trụ cho biết, bối cảnh vĩ mô toàn cầu sẽ có tác động tích cực tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Những lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường như Mỹ, châu Âu… đang hấp dẫn các nhà đầu tư đa quốc gia, nên việc có thêm những khu công nghiệp, khu chế biến trong thời gian tới là tất yếu.

“Kể cả các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, nhà đầu tư từ các nước này cũng mong muốn sang Việt Nam để khai thác các lợi thế sẵn có. Với dòng vốn từ Mỹ sẽ cần quan sát thêm. Có thể, động thái của dòng vốn này sẽ chuyển biến khi Tổng thống đắc cử Donal Trump có động thái rõ rệt hơn”, ông Trụ chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan