Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế tại tọa đàm “ Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phân bón ” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6. Ảnh Dũng Minh

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế tại tọa đàm “ Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phân bón ” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6. Ảnh Dũng Minh

Đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% có lợi hơn không chịu thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế tại toạ đàm “ Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp phân bón ” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6.

Đề xuất sửa đổi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%

Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).

Một nội dung được quan tâm đặc biệt trong Dự thảo Luật là chuyển mặt hàng phân bón và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay. Nội dung đã được các chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận tại toạ đàm.

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, phân bón được đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014). Trước Luật 71, phân bón cũng thuộc diện chịu thuế VAT 5%.

Vì sao có sự điều chỉnh chính sách này? Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết thời điểm năm 2008 Quốc hội thông qua luật thuế GTGT có 26 nhóm hàng hoá dịch vụ chịu thuế, 15 nhóm hàng hoá dịch vụ chịu thuế 5%, thuế 0% dành cho nhóm dịch vụ hàng hoá xuất khẩu và nhóm chịu thuế 10%.

Phân tích về bối cảnh ra đời của chính sách này, ông Phụng cho hay tại thời điểm đó phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu đầu vào của nông nghiệp nhưng là đầu ra của công nghiệp chịu thuế suất 5%, 10%. Đặc biệt là phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp đang áp dụng thuế 5%. Tuy nhiên, giai đoạn đó, kinh tế trải qua khủng hoảng châu Á – Thái Bình Dương 2008 và kinh tế trong nước gặp khó khăn rất nhiều trong giai đoạn 2012-2013.

Nhiều kiến nghị đề xuất cần có chính sách làm thế nào để khuyến khích ngành nông nghiệp, khó khăn cho nông nghiệp, trong đó các nhà khoa học kiến nghị vật tư nông nghiệp đầu vào trong đó có phân bón nên để thuế thấp hơn để tạo điều kiện cho bà con nông dân mua giá rẻ và doanh nghiệp sản xuất được.

“Lúc đó có nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa phân bón về thuế suất 0%. Lúc đó với tư cách cán bộ làm chính sách của Bộ Tài chính, tôi đã khuyến cáo rằng không thể đưa về 0% được vì theo thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế GTGT”, ông Phụng nói.

Tại thời điểm đó, Quốc hội có bàn và nói rằng có 3 mức thuế 0%, 5% và 10%. Nếu như đang ở mức 5% mà khó khăn quá thì đưa về mức không chịu thuế.

Theo ông Phụng, rất tiếc thời điểm đó các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan nghiên cứu, các viện các trường không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh trước Quốc hội rằng 5% có lợi hay không chịu thuế có lợi và lúc đó luật thông qua tại 1 kỳ họp, Luật 71 là sửa nhiều luật nên tại thời điểm đó, với thời gian ngắn ngủi và số liệu thông tin cụ thể, nên đã đưa từ chịu thuế 5% về không chịu thuế.

Sau 10 năm thực hiện Luật, có nhiều hệ luỵ từ thực tiễn kiểm nghiệm với bằng chứng thực tiễn cả về số thu, sản lượng, giá bán, đầu tư…

Phân bón hiện là mặt hàng không chịu thuế VAT

Phân bón hiện là mặt hàng không chịu thuế VAT

Áp dụng thuế VAT 5% với phân bón, ba nhà đều có lợi

Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định nguyên lý của thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giá bán, việc áp dụng phân bón không chịu thuế VAT trong 10 năm qua khiến cả ba nhà gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông đều bị ảnh hưởng.

Đối với nhà nước sẽ mất khoản thu thuế nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân bón. Theo thỏa thuận WTO, Việt Nam không phân biệt hàng nội và hàng ngoại. Hàng trong nước không chịu thuế thì hàng nhập khẩu cũng không chịu thuế, do đó doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội tấn công vào thị trường Việt Nam, phân bón nhập khẩu vào chịu thuế VAT 0% nên doanh nghiệp nước ngoài luôn có lợi thế so sánh với doanh nghiệp nội về không chịu thuế, về chi phí thấp hơn và nhà nước bị thất thu một khoản tiền lẽ ra phải thu được nếu duy trì thuế 5%. Như vậy nhà nước bị “”cháy” mất 5% đối với phân bón nhập khẩu.

Đối với nhà sản xuất là các doanh nghiệp, họ khó khăn ở vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho nên tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả đã cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định, làm tăng giá sản phẩm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hóa chất phân bón bị lỗ vì chi phí đầu vào cao không được khấu hao trong khi giá bán chịu áp lực cạnh tranh.

“Tôi đã nói nhiều diễn giả, nhà khoa học nếu tính thuế phân bón hóa chất 5% là người dân nông bị thiệt là tính toán nhầm, mà quên đi tính liên hoàn của thuế VAT. Trước đây áp dụng Luật 13, cho áp dụng 5% câu chuyện bình thường, doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư phát triển nhưng từ khi áp dụng Luật 71, doanh nghiệp không đầu tư được”, ông Phụng chia sẻ.

Ông đưa ra ví dụ Nhà máy phân bón Cà Mau, trong 9 năm số thuế đầu vào không được khấu trừ dồn tích lại,đầu tư không được khấu trừ cộng vào giá thành 2.446 tỷ đồng. Các nhà máy phân bón như Phú Mỹ, Ninh Bình, Hóa chất Hải Phòng… đều gặp câu chuyện như vậy. Doanh nghiệp là đối tượng thứ hai bị “cháy” vì quy định này.

Người nông dân tâm lý thích đồ ngoại, doanh nghiệp ngoại lấy giá bán của doanh nghiệp phân bón nội cộng thêm 1-2% để bán. Khi doanh nghiệp trong nước không chịu được áp lực chi phí đầu vào, tăng bán giá tăng lên thì doanh nghiệp ngoại cũng đẩy giá lên. Người nông dân chịu thiệt, còn doanh nghiệp nước ngoài được lợi. Vô hình trung điều này kìm hãm đầu tư của doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới đầu tư của DN công nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

“Tôi mừng là cơ quan soạn thảo, đại biểu đồng ý trở lại Luật 13 ngày xưa. Nhân dịp này tôi đề nghị rà soát lại các ngành công nghiệp khác ví dụ ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, những máy móc nào lượng hóa được đưa vào quy định cái nào 5%, cái nào không chịu thuế, và tính đến quan hệ liên thông giữa các ngành với nhau. Chúng ta cần đứng trên quyền lợi của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kết quả cuối cùng là nền kinh tế hiệu quả cao hơn. Tôi đề xuất mở rộng nghiên cứu thêm các ngành khác liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để nền kinh tế phát triển tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Phụng chia sẻ.

Tin bài liên quan