Đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất theo kế hoạch, ngoài tăng tổng cầu, thúc đầu tư công, còn cần đẩy mạnh cả các động lực tăng trưởng mới.
Dù đạt mức cao nhất các quý I trong 5 năm qua, nhưng tăng trưởng kinh tế “vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo cần thiết”. Ảnh: Đ.T.

Dù đạt mức cao nhất các quý I trong 5 năm qua, nhưng tăng trưởng kinh tế “vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo cần thiết”. Ảnh: Đ.T.

Chưa quay lại “quỹ đạo cần thiết”

Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%. “Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức hơn thuận lợi và cơ hội”, Phó thủ tướng nói.

Đó đúng là một nỗ lực lớn, nếu đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Thêm nữa, 5,66% không phải là mức thấp, không chỉ cao nhất các quý I trong 5 năm qua, mà còn cao hơn cả kịch bản đề ra ở Nghị quyết số 01/NQ-CP. Thậm chí, nếu so với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong ASEAN-6, thì 5,66% vẫn là mức cao.

Dù đạt mức tăng trưởng tích cực và đó cũng là điều được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhưng theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng kinh tế “vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo cần thiết”. “Mức tăng trưởng chưa đủ để tạo bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thực tế, chưa nói tới câu chuyện xa hơn, về bẫy thu nhập trung bình, hay phát triển bền vững, thì nội những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy, nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Theo Bộ trưởng, nền kinh tế đang đứng trước nhiều áp lực, thách thức lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, rất đáng khích lệ, nhưng dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trước biến động của tình hình của thế giới, khu vực”, Bộ trưởng nói.

Ngoài chuyện áp lực lạm phát gia tăng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Không chỉ sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, mà điều đáng quan tâm là cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.

Cầu yếu là điều được không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách, mà cả các chuyên gia kinh tế và các cơ quan của Quốc hội băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, cầu yếu sẽ ảnh hưởng đến động lực đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh việc tổng cầu trong nước yếu, chậm phục hồi, thấp hơn kỳ vọng, trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu gia tăng.

Trong khi đó, trong báo cáo vừa được công bố cách đây ít ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, đà phục hồi của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa thực sự bền vững và còn nhiều yếu tố mang tính rủi ro, bất định. Trong đó, nhu cầu trong nước còn yếu, đầu tư tư nhân vẫn “hụt hơi”, doanh nghiệp vẫn vật lộn với bài toán giảm doanh thu, thiếu nguồn lực…

Phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng

Dù nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất.

Cần phải nhắc lại, cuối quý I/2024, sau khi con số tăng trưởng GDP 5,66% được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Dựa trên dự báo tình hình khu vực, thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị này.

Hôm khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái dù thừa nhận, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024 là “rất nặng nề”, song vẫn cho biết, Chính phủ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025.

Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất theo kế hoạch? “Cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đạt đúng tiến độ. Đây vừa là giải pháp bơm tiền cho nền kinh tế, vừa đáp ứng hạ tầng cần cho phát triển trong dài hạn”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR nói.

Thực tế, đây luôn là giải pháp hàng đầu được các chuyên gia kinh tế nhắc tới. Bởi lẽ, trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa, chỉ có đầu tư công là giải pháp nằm trong tay mình. Chỉ cần nỗ lực giải ngân đạt 95% kế hoạch, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực hơn.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, suy giảm tổng cầu kéo dài có thể dẫn đến hạn chế tăng tổng cung và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, giải pháp là cần thúc đẩy tổng cầu. Và vấn đề không chỉ là nằm ở tiêu dùng dân cư, mà còn là tiêu dùng của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, sự sụt giảm mạnh của tổng cầu là do cả 3 thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Đứng trên góc độ này, có thể thấy, để thúc đẩy tổng cầu, cần các giải pháp tổng hòa, trong đó ngoài đầu tư công, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân và tiêu dùng của người dân, khơi thông và mở rộng xuất nhập khẩu.

Bên cạnh các vấn đề trên, để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, tạo sức đột phá, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh cả các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thu hút và thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…

Tin bài liên quan