Có đại biểu khẳng định, đưa hộ kinh doanh vào luật có thể gây khó khăn cho họ, vị đại biểu khác lo, nếu chờ luật riêng thì hai - ba năm nữa họ biết trông cậy vào đâu.
Có luật riêng sẽ quản lý chặt chẽ hơn
Trước khi thể hiện chính kiến, đại biểu Trần Minh Tuấn (Bà rịa - Vũng Tàu) nêu những con số đáng chú ý: hiện có trên năm triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP.
Do vậy, đại biểu cho rằng rất cần thiết nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định lên thành luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn.
Ông Tuấn phân tích, mặc dù hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bình đẳng với mọi loại hình kinh doanh khác, tuy nhiên hộ kinh doanh có rất nhiều điểm khác biệt. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh hành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý.
Đồng ý với đại biểu Tuấn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo luật về hộ kinh doanh khi đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, như vậy sẽ đơn giản hơn. Nếu để chung khi có thay đổi các quy định đối với doanh nghiệp nhưng không có tác động đối với hộ gia đình và ngược lại thì cũng phải sửa đổi luật làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Cần có luật riêng cho hộ kinh doanh cũng là quan điểm của nhiều vị đại biểu khác.
Luật có quy định về hộ gia đình, nhưng thế nào là hộ gia đình thì không rõ. Hộ gia đình kinh doanh có đồng nhất với hộ kinh doanh không? Trong Luật Dân sự cũng không giải thích khái niệm về hộ gia đình, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) băn khoăn.
Hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu
Kiên trì quan điểm đã phát biểu ở kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và cả sau đó khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng không nên xây dựng riêng một đạo luật về hộ kinh doanh.
Vì nếu thực hiện phương án này thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có luật về hộ kinh doanh, khác với thông lệ quốc tế sẽ rất khó cho hộ kinh doanh hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.
Mặt khác, ông Lộc nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự đã xóa bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh, nếu không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì Chính phủ không thể nào có hướng dẫn về đăng ký hộ kinh doanh được, bởi vì điều này trái với Luật Dân sự.
Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của Quốc hội như thế này ít nhất phải 2-3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2-3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ, bởi vì Luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi, ông Lộc lo ngại.
Cũng ủng hộ phương án đưa hộ kinh doanh vào một chương của dự thảo, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh: qua nhiều lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, năm 1990, năm 2005 và năm 2014 thì tất cả các lần này trong Luật Doanh nghiệp đều có những quy định về hộ kinh doanh. Việc bổ sung trong dự thảo lần này theo hướng là nâng lên, luật hóa nhiều nội dung hơn và thành lập một chương riêng. Như vậy, về bản chất hộ kinh doanh lâu nay đã được quy địn trong Luật Doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình, chể thể kinh doanh ở đất nước ta hiện nay.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến nói trên.