Doanh nghiệp Việt vào cửa nhà Walmart
Sau 8 năm cung cấp sản phẩm cho Walmart thông qua văn phòng ở Thẩm Quyến (Trung Quốc), Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (TP.HCM) chính thức trở thành đối tác trực tiếp của Walmart vào năm trước, khi Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và cũng là hàng đầu thế giới này bắt đầu chính sách trực tiếp nhập khẩu từ Việt Nam.
Công ty đã xuất 200 đơn hàng, với khoảng 3-5 triệu sản phẩm may mặc/năm. Năm sau, Thuận Phương dự kiến phải mở thêm 2 nhà máy ở Long An. Đây là những điều mà Thuận Phong không thể có được nếu không kịp chuyển sang sản xuất hàng xuất khẩu trực tiếp, kéo dài khoảng thời gian gần 20 năm làm hàng gia công cho một đối tác Hàn Quốc.
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Thuận Phương, không phải muốn là có thể trở thành nhà cung ứng cho Walmart. Tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất là các nhà máy phải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của những người mua trên toàn thế giới. Để làm được điều đó, Công ty phải có một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là có thể hiểu khách hàng và Walmart đang muốn gì.
“Thị trường giờ thay đổi rất nhiều, phải hiểu họ muốn gì để đạt được chiến lược đó. Riêng với Walmart, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ thị trường, xây dựng một chuỗi khép kín từ thiết kế đến sản xuất và phải có quy mô sản xuất đủ lớn mới mong đáp ứng được yêu cầu của ông lớn này”, bà Hoài Anh cho biết.
Trong khi đó, để trở thành nhà cung cấp chính thức cho Walmart, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang đã trải qua nhiều khó khăn. Nhưng, như bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty phân tích, việc trở thành nhà cung cấp cho nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đã mang lại nhiều lợi ích cho các công ty vừa và nhỏ Việt Nam, về cả lợi nhuận, uy tín và mối quan hệ với khách hàng.
“Từng khoản đầu tư đều phải chăm chút ngay từ đầu với mục tiêu là thỏa mãn các yêu cầu của đối tác. Nhưng khi đã vượt qua được những thách thức về tiêu chí ở giai đoạn đầu, đưa các hoạt động quản lý, sản xuất vào quy trình chuẩn, thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn”, bà Loan cho biết.
Từ năm 2006, Công ty đã xác định phải đầu tư để sản xuất hàng cho các đối tác lớn. Mọi bước đi đều được tính kỹ. Vốn đầu tư để làm nhà máy hơn 1 triệu USD nhưng doanh thu năm đầu đã đạt gần 2 triệu USD.
Sau đó, để huy động vốn, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, có thêm nhà đầu tư để phát triển mạnh hơn. Từ đó, sản phẩm của Công ty đã đủ tiêu chuẩn tham gia bán vào hệ thống của Walmart. Quan trọng là sau vài năm tham gia cung cấp sản phẩm cho Walmart ở phân khúc cao cấp, Công ty ngày càng phát triển mạnh và có thương hiệu để hợp tác với các đối tác lớn khác.
Bà Ly Lê, Giám đốc pháp lý và đối ngoại khu vực Đông Dương Công ty nước giải khát Coca Cola Việt Nam, các công ty nhỏ ở Việt Nam với lợi thế sản phẩm tốt hoàn toàn có cơ hội tham gia làm nhà cung cấp cho Walmart. Chỉ cần chịu khó học hỏi, hoàn chỉnh quy trình chất lượng sản phẩm tốt, thực hiện tốt quy trình mà Walmart đưa ra sẽ được chấp nhận.
Tính đến thời điểm này, ở Việt Nam đã có gần 200 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thuộc các lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, giày dép… được mời tham gia chương trình gặp gỡ, chọn lọc, để trở thành nhà cung cấp cho Walmart.
Tuy nhiên, thực tế là vẫn không nhiều doanh nghiệp lọt qua khe cửa của nhà bán lẻ này.
Walmart muốn tìm nhà cung cấp có tư duy chiến lược
Bà Jocelyn Trần, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á Walmart cho hay, Walmart hiện diện ở Việt Nam chính vì TPP (Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương). TPP không chỉ là cơ hội để nhà bán lẻ này tìm kiếm và mua những sản phẩm mới tại Việt Nam, mà còn là cơ hội để Walmart chuyển giao công nghệ, kiến thức và thực hiện được kế hoạch đa dạng hóa các sản phẩm của mình.
Chính bởi vậy, khi gặp các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, thông điệp được đưa ra rất rõ là: Walmart không chỉ muốn sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh cho người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng mà còn muốn Việt Nam trở thành điểm đến hứa hẹn cho những nguồn sản phẩm khác nhau. Bên cạnh cá tra được thu mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam, Walmart đang tìm kiếm những sản phẩm khác như đường, đồ hộp, cá thu …
Nhưng, yêu cầu của đại gia bán lẻ này là mọi hàng hóa vào Walmart đều phải tuân theo một tiêu chuẩn toàn cầu nghiêm ngặt. Nghĩa là, để bước chân được vào hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu của Walmart, các nhà cung cấp Việt Nam phải xây dựng năng lực của chính mình trước.
“Tôi đã làm việc với nhiều nhà cung cấp Việt Nam. Một thách thức của Việt Nam là thiếu những nhà cung cấp trung gian có kỹ năng phân tích, tư duy chiến lược. Các bạn cần cải thiện vấn đề này để có thể tận dụng được các cơ hội trong tương lai”, bà Jocelyn Trần cho biết.
Có thể thấy hiện trạng này trong câu chuyện của ông Todd Kouns, Giám đốc cấp cao phụ trách nguồn cung ứng lĩnh vực giày dép Walmart về 2 nhà sản xuất giày dép của Việt Nam đang cung ứng sản phẩm cho Walmart.
“Chuỗi cung ứng trong ngành giày dép tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong tương lai của chúng tôi. Nhưng chúng tôi tự tin rằng, nó sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển, đặc biệt hiệp định TPP sắp được ký kết sẽ giúp tối đa hóa các nhà máy tại Việt Nam”, ông Todd Kouns nói và cho biết Walmart vẫn đang tìm kiếm chuỗi cung ứng như thành phần,chất liệu độc đáo cho giày dép.
Một thách thức của Việt Nam là thiếu những nhà cung cấp trung gian có kỹ năng phân tích, tư duy chiến lược
Có thể thấy lộ trình khá rõ của Walmart trong đánh giá các nhà cung ứng để đưa họ vào danh sách tiềm năng, tiếp đó là đối tác tin cậy.
Hiện Walmart cũng đang xây dựng diễn đàn điện tử cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để họ có thể nắm bắt cơ hội trở thành nhà cung ứng cho Walmart. Trong các diễn đàn điện tử đó, doanh nghiệp cảm thấy có thể được hỗ trợ, áp dụng được công nghệ tối tân cũng như được cung cấp những vốn lưu động cho những doanh nghiệp cần.
Đặc biệt, để tìm thêm được nhiều nhà cung cấp mới ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, Walmart đã xây dựng chương trình phát triển các doanh nghiệp cung ứng do phụ nữ sở hữu. Được biết, năm 2016, Walmart sẽ mua 24 tỷ USD hàng hóa từ các nhà cung ứng trên toàn cầu do phụ nữ làm chủ. Động thái này nhằm làm tăng gấp đôi nguồn ứng từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại 11 thị trường quốc tế của Walmart.
Theo bà Kara Valikai, Giám đốc cấp cao, sáng kiến trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Walmart, sản phẩm cung ứng từ Việt Nam đều có chất lượng tốt. Các nhà cung ứng Việt Nam không chỉ đáp ứng các yêu cầu từ Walmart mà họ còn phải cạnh tranh với các nhà cung ứng trên toàn cầu.
“Chúng tôi đang đi bước đi đầu tiên tại thị trường Việt Nam và cần nhiều thời gian hơn để xem có thể phát triển như thế nào tại thị trường này. Tuy vậy, chúng tôi sẽ đặc biệt hỗ trợ những phụ nữ làm chủ trở thành nhà cung ứng cho Walmart”, bà Kara Valikai cho hay.
Học chơi với Wal-Mart
Với chiến lược giá hết sức chặt chẽ và yêu cầu cao đối với nhà phân phối, Wal Mart đã và sẽ làm thay đổi phương thức làm ăn kinh doanh ở bất cứ thị trường nào mà Walmart hướng đến.
Một bí quyết thành công của họ là ép giá những nhà cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các nhà sản xuất ở nước ngoài. Chẳng hạn, tại thị trường Trung Quốc, sự phát triển của các công ty sản xuất với giá thành rẻ mạt ở quốc gia này là một nguồn lợi cho Walmart.
Mỗi năm, Walmart mua khoảng 1,5 -2 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một nửa mua trực tiếp, một nửa qua các trung gian. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc than phiền bị Walmart đàn áp. Mỗi năm, nếu đến kỳ hạn mà chưa ký được một hợp đồng mới với Walmart, nhiều công ty Trung Quốc lo phải đóng cửa. Lý do vì chỉ có Walmart luôn mua với số lượng lớn, ổn định.
Nắm được điểm yếu đó, ông lớn Walmart tìm cách buộc các nhà cung cấp Trung Quốc phải cạnh tranh với nhau, tìm nơi nào hiến giá thấp nhất, thậm chí nhiều nhà cung cấp còn đe dọa lẫn nhau. Hiện tượng trên cho thấy, một đặc điểm của Walmart là nắm rõ tâm lý khách hàng. Họ cũng tận dụng kỹ thuật tin học để tập trung các dữ liệu về người tiêu thụ, về khách hàng của chính họ, giúp cho họ làm kế hoạch sát thực tế hơn. Chính nhờ nhiều yếu tố như vậy, Walmart luôn mua rẻ để bán rẻ.
Đây cũng là yếu tố để các nhà cung cấp Việt Nam phải chuẩn bị tâm lý, bởi tại khu vực châu Á, Việt Nam là nước thứ hai (sau Trung Quốc) mà Walmart mở rộng tìm kiếm đối tác sản xuất, xuất khẩu hàng hóa làm nhà cung cấp.