Tận dụng thời cơ bứt phá
Cùng với Vingroup, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tự tin chinh phục thị trường nước ngoài. Tân Hiệp Phát là một trong số đó. Doanh nghiệp này đã phát triển nhiều sản phẩm đồ uống như nước tăng lực Number 1, trà thảo dược, trà xanh không độ..., đánh bật nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới tại thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh chia sẻ: “Tôi muốn chứng minh người Việt Nam có thể làm được, không phải chỉ gia công, không có thương hiệu nào trên thế giới”.
Để phục vụ cho mục tiêu chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã mạnh dạn đầu tư dàn máy aseptic (vô trùng, vô khuẩn) hiện đại bậc nhất châu Á trị giá 30 triệu USD.
Hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã xuất khẩu sản phẩm tới gần 20 quốc gia từ nhiều năm qua, trong đó có những thị trường đặc biệt khó tính như Canada, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore… Tân Hiệp Phát xác định mục tiêu đạt doanh thu xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2023, 3 tỷ USD vào năm 2027.
CEO Kangaroo Nguyễn Thành Phương cũng đang vạch ra chiến dịch phủ xanh thương hiệu trong khu vực.
Chinh phục khách hàng trong nước đã khó, chinh phục khách hàng ở thị trường nước ngoài còn khó hơn, đội ngũ Kangaroo đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu thói quen, thị hiếu tiêu dùng của người dân từng địa phương, từng quốc gia, qua đó sản xuất những sản phẩm phù hợp nhất.
Đến nay, tại thị trường Indonesia, người dân thủ đô Jakatar đã quen với sản phẩm của Kangaroo, từ đây, doanh nghiệp này “đánh” sang các địa phương khác. Được biết, Kangaroo đã chiếm vài phần trăm thị phần máy lọc nước trong khu vực và hướng tới mục tiêu đạt 50% thị phần.
Công nghệ thông tin đang được coi là một trong các công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Và doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách ghi tên trên bản đồ thế giới bằng những bước đi đột phá nhờ công nghệ.
Hoàng Gia Long, CEO Tập đoàn K35 đã thiết kế một ứng dụng có thể kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nhau và doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp toàn cầu.
Ứng dụng Zeniius hay còn gọi “Thần đèn” đã quy tụ hàng nghìn CEO Việt Nam cùng chia sẻ cơ hội kinh doanh, kinh nghiệm làm việc và các đơn hàng với nhau từng giờ. Hoàng Gia Long cũng đưa ứng dụng này đến với các doanh nhân tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và được cộng đồng doanh nhân ở đây đón nhận.
Bên cạnh Zenius, Hoàng Gia Long và K35 còn thiết kế nền tảng kết nối CEO với tên gọi BitCEO nhằm kết nối sức mạnh và trí tuệ, thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển.
Thách thức khi ra biển lớn
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam thường phải đối mặt với 5 nhóm thách thức chính.
Thứ nhất, chiến lược kinh doanh không rõ ràng. Thứ hai, công nghệ khoa học của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp trên thế giới thường ở mức sau.
Thứ ba, năng lực sản xuất thấp, kinh doanh nhỏ lẻ. Thứ tư, chế độ đãi ngộ với người lao động chưa tốt. Thứ năm, sự liên kết để sản xuất cạnh tranh với các nước khác còn kém.
Ông Kiên cho rằng, những doanh nghiệp hội nhập tốt, vượt qua các thách thức và gặt hái được thành công thường phải chuẩn bị nội lực kỹ càng như Vingroup, Vietjet, Tân Hiệp Phát…
Một thách thức nữa mà bản thân các doanh nghiệp đang phải đối mặt là trình độ công nghệ thông tin còn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lúng túng khi chưa tiếp cận đơn hàng qua công nghệ.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp không biết cách lập tài khoản để bán hàng trực tuyến.
Đơn vị này đã tổ chức hai cuộc tập huấn, nhưng sau đào tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn không biết làm. Sử dụng công nghệ, truyền thông là kênh tiếp thị hữu hiệu, nhưng còn nhiều doanh nghiệp vẫn “non tay”.
Với hơn 96% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi bước ra thế giới, doanh nghiệp Việt lợi thế không cao, nhưng cũng có điểm mạnh là linh hoạt và sáng tạo.
Đánh giá về sức vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vài năm qua, các doanh nghiệp của chúng ta đã dần khẳng định được năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Quy mô doanh nghiệp Việt còn nhỏ, nhưng cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy rất lớn. Nỗ lực không ngừng với những bước đi chắc chắn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và hướng tới giá trị gia tăng cao, đáp ứng chuẩn mực quốc tế, doanh nghiệp Việt sẽ có những bước đi vươn xa hơn.