Theo Thông tư 110, việc quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được giám sát chặt chẽ. Ngoài việc hoạt động và báo cáo các cấp quản lý theo quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các loại báo cáo cụ thể định kỳ hàng quý, năm về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong kỳ, trong đó nêu rõ số lượng hợp đồng đòi nợ đã ký với khách hàng, số lượng hợp đồng tư vấn cho khách hàng về các vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý nợ; tổng số tiền nhận uỷ quyền đòi nợ; số tiền nợ thu được theo uỷ quyền, số lượng hợp đồng kết thúc trong kỳ. Trong trường hợp cần thiết, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc có thể yêu cầu các báo cáo khác để phục vụ cho mục tiêu quản lý. Thời hạn gửi báo cáo quý chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý; thời hạn gửi báo cáo năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp vi phạm chế độ báo cáo sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Ngược lại, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc cũng phải thực hiện theo dõi, nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn, định kỳ báo cáo về Bộ Tài chính, trong đó tập trung thống kê số liệu tổng số nợ nhận uỷ quyền đòi nợ, tổng số nợ đã đòi cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ. Trong báo cáo này, Bộ Tài chính cũng yêu cầu giám sát các tiêu chuẩn liên quan, như vốn điều lệ. Theo quy định tại Nghị định 104, để hoạt động trong lĩnh vực này, doanh nghiệp phải có vốn pháp định là 2 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, Bộ Tài chính sẽ trực tiếp thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ tài chính và việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đối với các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước thông qua hình thức kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa. Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc cũng sẽ thực hiện chức năng này nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), đây là một hoạt động kinh doanh đặc thù và khá nhạy cảm, cần có cơ chế giám sát các cấp, từ địa phương tới quản lý ngành (Bộ Tài chính). Trước khi xây dựng khung pháp lý về dịch vụ đòi nợ thuê (theo cách gọi phổ biến hiện nay), Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế trong nước và tham khảo kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là mô hình quản lý tại Hàn Quốc, và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các đầu mối liên quan. “Đây là nhu cầu thực sự của nền kinh tế, nhưng từ nhu cầu đó có thể phát sinh những hoạt động kinh doanh không lành mạnh nên tạo khung pháp lý và tăng cường quản lý trên thực tế là rất cần thiết. Thực tế, tại Việt
Như vậy, sau gần 2 năm đặt vấn đề, tổ chức xây dựng dự thảo, tập hợp ý kiến, đến thời điểm này về cơ bản khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được định hình. Để tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này, ngoài vốn pháp định 2 tỷ đồng, doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện khác như: giám đốc cấp chi nhánh phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; trong hoạt động, doanh nghiệp chỉ được thực hiện đòi nợ đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự và phải có đầy đủ giấy tờ pháp lý, không được thực hiện đối với các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực và các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác… Đặc biệt, doanh nghiệp không được xâm phạm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân... của đối tượng nợ (một thực tế đã nảy sinh trong thời gian qua).