Bệ phóng kinh tế từ 5 trung tâm logistics
Thời gian qua, Đà Nẵng không ngừng đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng biển Tiên Sa, mở ra tiềm năng phát triển lớn cho các doanh nghiệp logistics.
Theo Quy hoạch Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015, khu vực TP. Đà Nẵng có 1 trung tâm hạng I, giai đoạn đến năm 2020 có quy mô tối thiểu 30 ha, giai đoạn đến năm 2030 có quy mô trên 70 ha, phạm vi hoạt động chủ yếu gồm Đà Nẵng và các tỉnh lân cận; kết nối với các cảng cạn, cảng biển Đà Nẵng, Kỳ Hà (Quảng Nam), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp; 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không với quy mô tối thiểu 3 - 4 ha (giai đoạn I) và 7 - 8 ha (giai đoạn II).
Với vai trò là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng hội tụ những yếu tố quan trọng về hạ tầng để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là logistics.
Quy hoạch Phát triển hạ tầng logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 5778/QĐ-UBND ngày 3/12/2018 và đã lồng ghép vào Đồ án Quy hoạch chung điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg với tổng diện tích 229 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ nhất, là Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 30 ha, đến năm 2045 đạt 69 ha. Vị trí đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu. Hiện Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng đang lập quy hoạch chi tiết mặt bằng khu bến cảng Liên Chiểu.
Thứ hai, là Trung tâm logistics Hòa Nhơn. Đây là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27 ha, đến năm 2045 đạt 54 ha. Vị trí đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hoàng Văn Thái (phía Nam), có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc - Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua thành phố.
UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm logistics Hòa Nhơn tại Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 20/6/2017.
Thứ ba, là Trung tâm logistics đường sắt. Đây là trung tâm logistics phục vụ đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5 ha, đến năm 2045 đạt 10 ha. Vị trí tại khu vực Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia với đường bộ quốc gia và đường vành đai của thành phố.
Thứ tư, là Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đây là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4 ha, đến năm 2045 đạt 8 ha. Vị trí đặt trong hoặc gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Thứ năm, là Trung tâm logistics khu công nghệ cao. Đây là trung tâm logistics công nghiệp, quy mô đến năm 2030 là 3 ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20 ha. Vị trí đặt trong Khu công nghệ cao thành phố, có vai trò là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics đường không và đường bộ.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác, có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nói trên, đồng thời thu gom phân phối hàng hóa phục vụ Thành phố và các tỉnh lân cận. Quy mô của các trung tâm logistics và các kho bãi này đến năm 2030 đạt 26 ha, đến năm 2045 đạt 68 ha, được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Đà Nẵng hội đủ nhiều điều kiện để trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước. Trong ảnh: Cảng Tiên Sa, một cảng quan trọng ở Đà Nẵng Ảnh: Huỳnh Văn Truyền |
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
TP. Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics, trong đó có gần 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại Đà Nẵng.
Lực lượng nhân lực tham gia logistics trên địa bàn Đà Nẵng hiện chiếm khoảng 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với khoảng 14.000 lao động, tăng gấp 4 lần so với năm 2011.
Là doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ liên quan đến kho bãi, đất đai, vận chuyển với hơn 200 xe tải phục vụ mạng lưới nội đô và bên ngoài các thành phố lớn, cuối quý I/2022, tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (quận Liên Chiểu), Công ty TNHH MTV ITL Logistics Đà Nẵng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng.
Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 31.244 m2, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, gồm có các hạng mục công trình chính như: hệ thống nhà xưởng tiêu chuẩn để cho thuê; hệ thống kho và hạ tầng dùng chung; khu vực đóng gói, lưu trữ hàng hóa… với các tiêu chuẩn hạng A về chất lượng dịch vụ với kệ chứa hàng 7 tầng, hệ thống quản lý kho WMS có khả năng tích hợp theo yêu cầu của khách hàng và cổng xuất hàng với sàn nâng tự động. Cùng với đó là hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống điện và chiếu sáng công nghiệp chuyên nghiệp.
Đặc biệt, đây sẽ là trung tâm phân phối xanh tại Việt Nam, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động, Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng sẽ góp phần vào việc triển khai hiệu quả định hướng phát triển ngành logistics, góp phần tăng trưởng kinh tế, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của TP. Đà Nẵng.
Ông Đặng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng nhận định, Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không của cả nước. Với vai trò là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng hội tụ những yếu tố quan trọng về hạ tầng để phát triển mạnh mẽ, trong đó có logistics.
“Trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải Đà Nẵng đã có nhiều chiến lược đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông về quy mô và chất lượng, đem lại những chuyển biến rõ nét, nhưng hoạt động logistics vẫn còn một số yêu cầu cần phải cải thiện so với thực tiễn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp logistics đầu tư, chiếm lĩnh thị trường”, ông Sơn nói.