Trước đó, một cuộc trao đổi tương tự với nhà đầu tư về TTCK phái sinh cũng đã được 2 đơn vị này phối hợp tổ chức tại Hải Phòng và Hà Nội, nhằm trang bị kiến thức cho nhà đầu tư trước ngày khai mở TTCK phái sinh.
Học để làm mới và vươn lên
Việc khai mở một thị trường hoàn toàn mới -TTCK phái sinh, cần rất nhiều sự nỗ lực của tất cả các chủ thể trên thị trường. Không chỉ nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, kỹ năng đầu tư bản thân các CTCK cũng phải học hỏi và nỗ lực để xác lập vị trí trên thị trường mới. Tổng giám đốc MBS Trần Hải Hà cho biết, trong dịp các CTCK ASEAN đến Việt Nam vừa qua, MBS đã tiếp xúc song phương với một số công ty chứng khoán nằm trong top đầu của thị trường Đông Nam Á. Một trong các nội dung được Công ty quan tâm tìm hiểu là kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, cụ thể là trên TTCK phái sinh và chuẩn bị cho giao dịch trong ngày.
Cùng với đó, Công ty cũng đang tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ khách hàng đại chúng. “Chúng tôi mong muốn có cơ hội học hỏi, hợp tác với những công ty chứng khoán lớn, có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho chiến lược phát triển thị trường ra nước ngoài trong tương lai”, ông Hà nói.
Tổng giám đốc MBS chia sẻ, ông nhận thấy TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển trong trung và dài hạn khi yếu tố nền tảng là sức khỏe của nền kinh tế được cải thiện theo hướng tích cực.
TTCK từ đầu năm tới nay đã ghi nhận sự tăng trưởng bền vững, VN-Index tăng từ 510 điểm lên 690 điểm do nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan quản lý thông qua việc điều chỉnh và sửa đổi một số chính sách hỗ trợ thị trường. “Năm 2016 chính là năm bản lề, mở ra triển vọng tích cực cho thị trường trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang dần tiệm cận với các tiêu chuẩn cao hơn”, ông nói.
Bên cạnh MBS, tại nhiều CTCK lớn như SSI, HSC, BVSC…, công tác chuẩn bị hạ tầng giao dịch và đào tạo nhân sự cho ngày khai mở TTCK phái sinh cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Hình thức cơ bản của các đơn vị này là mời giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc UBCK về công ty, giảng dạy cho nhân sự sau giờ làm việc. Tại nhiều công ty, số nhân sự theo học về chứng khoán phái sinh lên đến hàng trăm người.
Tháng 12 sẽ kết nạp thành viên đầu tiên
Trong khi các CTCK đang tập trung vào công tác đào tạo nhân sự, đào tạo nhà đầu tư và xây dựng hạ tầng công nghệ, thì nhà quản lý cũng không ít phần việc phải lo cho ngày khai mở TTCK phái sinh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng TTCK phái sinh, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, Sở đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, hoàn thiện sản phẩm, hạ tầng cơ sở để kết nạp thành viên vào tháng 12/2016.
Cũng theo bà Hà, các bước chuẩn bị cho thị trường phái sinh như dự thảo các quy chế, xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, xây dựng hợp đồng mẫu cơ bản đã hoàn thành.
Trong tháng 10 và tháng 11, HNX cho biết sẽ tập trung hoàn thiện Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai, đồng thời xây dựng quy chế thành viên TTCK phái sinh để trình UBCK xem xét cho ý kiến trước khi phê duyệt. Về sản phẩm, HNX sẽ tiếp tục khảo sát ý kiến thành viên 3 loại sản phẩm trên thị trường này, gồm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (xem bảng); hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (VN-30 và HNX-30).
Tháng 12/2016, HNX sẽ chạy thử hệ thống thị trường này trong mối tương quan với các CTCK thành viên và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, đồng thời kết nạp những thành viên đầu tiên trên. Khi các cấu phần thị trường hoàn tất và vận hành thử suôn sẻ, HNX cho biết, sẽ phối hợp mạnh hơn với các CTCK tiên phong, đào tạo giúp nhà đầu tư hiểu và tham gia TTCK mới.
Điểm mới đáng chú ý trên TTCK phái sinh là sự xuất hiện của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với vai trò là ngân hàng chỉ định thanh toán. Trong cuộc trao đổi với các CTCK mới đây, lãnh đạo Vietinbank cho biết, Ngân hàng hiện có đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ cho các thành viên về vốn, về cấp thấu chi cho thành viên đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh. Cùng với đó, Vietinbank cũng sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các nghiệp vụ liên quan đến thị trường cơ sở, như thu hộ, chi hộ, với mong muốn đồng hành cùng các thành viên trên TTCK Việt Nam.
Trong quá khứ, TTCK cơ sở cần đến 5 năm để bắt đầu được DN, nhà đầu tư đón nhận rộng rãi, thì TTCK phái sinh, với tính chất rủi ro cao hơn và phức tạp hơn, chắc chắn cũng cần quãng thời gian đủ dài để dư luận biết đến và đón nhận. Những nỗ lực đào tạo, phổ cập TTCK phái sinh hiện nay chưa thể tạo nên lợi ích, nhưng lại là việc không thể thiếu trên hành trình khai mở TTCK phái sinh tại Việt Nam.