Nhà đầu tư đi xem đất đầu năm. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhà đầu tư đi xem đất đầu năm. Ảnh: Thành Nguyễn

Du Xuân sắm đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều nhà đầu tư đất nền, “tháng ăn chơi” đầu năm mới 2022 là để thong thả du ngoạn, lấy lại nguồn sinh lực sau một năm 2021 vất vả ngược xuôi, nhưng cũng có người xem đây là thời điểm phù hợp để sắm đất.

Chốt lời thành công

Ngọc Minh - một nhà đầu tư đất nền khu vực Ba Vì, Hà Nội cho hay, anh đã chốt lời khu đất gần hồ Suối Hai từ tháng 10/2021, thu về hơn 3,4 tỷ đồng tiền lãi. Mảnh đất này Minh mua từ gần 2 năm trước với giá khoảng 2 triệu đồng/m2, khi bán giá đã tăng lên hơn 3 triệu đồng/m2 và đang tiếp tục tìm kiếm những thửa đất “đủ lớn” (cả nghìn mét vuông - PV) với mức giá khoảng 2-3 triệu đồng/m2, bởi đây là mức giá có thể mang lại lợi nhuận tốt trong thời gian tới.

“Đất Ba Vì có diện tích lớn, thích hợp cho việc xây dựng ngôi nhà thứ 2, kết hợp làm nông nghiệp kiểu vườn cây, ao cá - mô hình được nhiều người ưa chuộng, trong đó tầm diện tích khoảng 1.000-3.000 m2 được giao dịch nhiều hơn cả. Đất ở nhiều xã như Cầm Lĩnh, Tản Lĩnh, Minh Quang… được nhiều người tìm kiếm, phục vụ cả nhu cầu đầu tư lẫn để ở”, Minh kể.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của nhà đầu tư này, anh không quá sốt sắng bởi thị trường đất nền nhiều khu vực hiện chưa định hình xu hướng rõ rệt và phần đông nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên khả năng phải sang giữa tháng 2 (Âm lịch) mới sôi động trở lại.

“2021 tuy là năm thành công nhưng thực sự vất vả, vì thế tôi muốn dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi bên gia đình, công việc sẽ bắt đầu lại vào đầu tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật”, Minh cười nói.

Trong một câu chuyện khác, Trần Kiên - chủ một khu đất ở hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cho biết, anh đang rao bán lô đất rộng 4.100 m2 trên sổ, nhưng diện tích thực tế vào khoảng 8.000 m2, bao gồm đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm, với giá trên 11 tỷ đồng, tức khoảng 2,7 triệu đồng/m2 giá theo sổ, hay 1,4 triệu đồng/m2 theo diện tích thực. So với cách đây hơn 1 năm, giá đất khu vực này đã tăng gần gấp đôi.

“Lô đất có vị trí khá đẹp, nhưng vì diện tích lớn, suất đầu tư cao nên khá kén khách, có một số người đến tìm hiểu nhưng chưa xuống tiền”, anh Kiên nói.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô trên 60 ha tại đây thông tin, hiện tại, Thái Nguyên đã làm xong quy hoạch đất đai và trên thực tế, giá đất lâm nghiệp nhiều khu vực đã tăng khoảng 4 lần so với đầu năm 2021, nhất là quanh khu vực hồ, có vị trí đẹp và gần các dự án lớn đang chuẩn bị triển khai. Theo vị này, có thể ngay sau Tết Nhâm Dần, Thái Nguyên nói chung và hồ Núi Cốc nói riêng sẽ là điểm du Xuân kết hợp xem đất của nhiều nhà đầu tư.

“Tầm nhìn triệu đô” của hồ Tà Đùng. Ảnh: Thành Nguyễn

“Tầm nhìn triệu đô” của hồ Tà Đùng.

Ảnh: Thành Nguyễn

“Mùa săn” đến sớm

Cũng là đất nền, nhưng mang một hình thái khác, đó là đất nền biệt thự và nói tới phân khúc này, Phú Quốc được nhắc đến như là một thị trường tiềm năng nhất. Tuấn Lộc - một sale chuyên bán sản phẩm đất nền biệt thự khu đô thị tại Phú Quốc cho hay, anh có 2 chuyến dẫn nhà đầu tư tới đây xem đất kết hợp du lịch, bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2022.

Theo Lộc, đất nền dự án tại Phú Quốc hầu hết đều đảm bảo pháp lý và đặc biệt là chủ đầu tư sẽ phụ trách toàn bộ việc xây dựng nên được nhiều nhà đầu quan tâm, trong đó nhà đầu tư TP.HCM chiếm ưu thế.

“Khan hiếm là yếu tố khiến giá đất thổ cư tại Phú Quốc tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khoảng 5 tháng qua, có nhiều thông tin tốt hỗ trợ cho thị trường này như dự án làm đường bao biển, khu miễn thuế, trung tâm vũ trụ, kế hoạch mở đường bay thẳng với nhiều nước trên thế giới… nên giới đầu tư rất quan tâm và giao dịch nhiều”, Lộc nói.

Theo chia sẻ của môi giới này, với suất đầu tư hàng chục tỷ đồng/suất, sản phẩm đất nền biệt thự trong khu đô thị của Phú Quốc khá kén khách, nhưng không vì thế mà khó thanh khoản. Khách hàng đại gia cũng là những người luôn có tầm nhìn xa và với nhóm nhà đầu tư này, mua bất động sản biển đảo mới là xu hướng của tương lai, trong khi ở Việt Nam, thị trường này hình thành chưa lâu. Do đó, triển vọng để đất thổ cư khu đô thị Phú Quốc tăng đến cả vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi mét vuông là có cơ sở nếu so sánh với mặt bằng giá bất động sản biển đảo ở nhiều quốc gia khác.

“Sản phẩm đất ở biệt thự trong khu đô thị đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn từ 3-10 năm, chứ không dành cho nhà đầu tư ‘lướt sóng’ kiếm lời ngắn hạn và điều thú vị là nhóm khách hàng này không hề ít”, Lộc nhấn mạnh.

Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” những ngày đầu năm mới, leader (trưởng nhóm) một nhóm nhà đầu tư chia sẻ với phóng viên rằng, nhóm đang sắp xếp thời gian để đầu tuần này vào Tây Nguyên du Xuân kết hợp xem đất, tập trung tại các “điểm nóng” như TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đăk Nông)…

“Mùa săn” bắt đầu sớm khiến giá đất tại nhiều khu vực của Tây Nguyên liên tục được đẩy tăng, ví dụ như khu vực Tà Đùng, với lợi thế “tầm nhìn triệu đô” của hồ Tà Đùng cũng như bước đầu “bắt trend” thành công của các mô hình du lịch nghỉ dưỡng khởi phát cách đây vài năm, đến nay, mỗi héc-ta rẫy quanh khu vực này được rao bán với mức giá lên tới khoảng 20 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 triệu đồng/m2.

Những năm gần đây, Đăk Nông thu hút lượng lớn nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về “săn” đất, hoặc cổ vũ cho phong trào “bỏ phố về rừng”, trong đó chủ yếu từ TP.HCM lên. Anh Hải - một người dân địa phương đang có đất rao bán cho hay, nhiều nhà đầu tư thực hiện mua gom đất rừng, đất lâm nghiệp (chủ yếu là đất trồng cà phê) từ trước, sau đó thực hiện giao dịch qua lại với mức giá được đẩy lên cao dần, từ đó tạo hiệu ứng tăng giá “ảo”, chứ giao dịch thực rất hạn chế và để minh chứng, anh Hải cho biết, khu rẫy gần 1 ha anh rao bán hơn 1 tháng qua vẫn chưa có ai mua.

“Không chỉ người nơi khác, nhiều người dân sinh sống lân cận khu vực vườn quốc gia Tà Đùng cũng gom tiền mua đất nhằm ‘lướt sóng’ kiếm lời, nhưng sau đó phần lớn đều phải ôm đất mà chả biết làm gì vì đất thì không bán được, mà làm lâm nghiệp thì không có kinh nghiệm. Thực tế là những nhà đầu tư mới dễ bị cuốn theo ‘sóng’ đất và ‘mắc cạn trên núi’ vì các giao dịch bán khó lòng thực hiện khi giá đất đã bị thổi phồng”, anh Hải chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan