Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016 và kế hoạch 6 tháng cuối năm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội, kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2016 có xu hướng ổn định, với các chỉ số như chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%; tín dụng tăng 8,16%; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay; xuất siêu 1,54 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61%.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thừa nhận kinh tế xã hội Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trong trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Báo cáo của Thủ tướng cũng thừa nhận tình trạng bội chi ngân sách liên tục ở mức cao trong nhiều năm, trong khi thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%).
Về giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho ổn định bền vững, tái cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Cũng theo Thủ tướng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các tiêu cực…
Theo lịch làm việc, chiều nay, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành bế mạc.