Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ngày 20/9 tuyên bố mặc dù Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Đức có thể vượt qua mùa Đông mà không gặp mấy khó khăn khi dự trữ khí đốt của nước này đang trên đà đạt mục tiêu 95% công suất vào tháng 11 tới.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Cơ quan Kiểm kê Kho trữ Khí đốt châu Âu (AGSI), công bố ngày 20/9 cho biết các kho dự trữ khí đốt ở Đức đã được lấp đầy hơn 90%. Hiện Chính phủ Đức lên kế hoạch tiếp tục bổ sung tới 95% công suất các kho chứa vào tháng 11, đủ để Đức vượt qua mùa Đông mà không cần nhập khẩu khí đốt của Nga.
Theo ông Robert Habeck, nếu mọi thứ suôn sẻ, chính sách tiết kiệm năng lượng cùng với yếu tố thời tiết may mắn, nước Đức có thể vượt qua mùa Đông một cách dễ dàng.
Cho đến nay, Đức vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn khí đốt, đặc biệt sau thông báo đầu tháng Chín của tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt đến Tây Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) với lý do không khắc phục được sự cố phát sinh trong quá trình bảo dưỡng.
Ngoài việc mua khí đốt tự nhiên thông qua các đường ống từ Na Uy, Hà Lan và Bỉ, Đức dự kiến sẽ ký hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trong chuyến công du vùng Vịnh cuối tuần này. Cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp cho biết xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Đức có thể bắt đầu vào tháng 10/2022.
Trong khi đó, bắt đầu từ tuần này, Đức khởi công xây dựng một trong những cảng tiếp nhận khí đốt LNG. Đức tăng tốc các kế hoạch xây dựng cảng LNG kể từ khi Berlin nhận thức được các cảng này quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để thoát khỏi lệ thuộc vào Nga.
Đức đã thuê 4 trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU cũng như chọn Wilhelmshaven làm trung tâm đầu tiên để xử lý LNG và sau này là hydro sạch. Các địa điểm khác sẽ được tiếp tục phát triển.
Chính phủ Đức đã dành 2,94 tỷ euro (2,94 tỷ USD) cho các dự án này, dự kiến cho các hãng RWE và Uniper phát triển. Để hỗ trợ phát triển các trạm LNG và đường ống liên quan liên kết với mạng lưới xuyên quốc gia lớn hơn, Cơ quan quản lý năng lượng Bundesnetzagentur đang chấp thuận đẩy nhanh hơn thủ tục tài chính của dự án.