Phát biểu tại Hội thảo công bố kết quả Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về đầu tư mới đây, ông Phạm Mạnh Dũng, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LTC Lawyers cho rằng, dù TPP vẫn đang là “lời hứa”, nhưng cần tích cực rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp.
“Ngay cả khi Hiệp định chưa được thông qua, thì cũng cần phải rà soát lại các quy định còn trái hoặc chưa tương thích với cam kết. Các vấn đề này không chỉ phát sinh từ yêu cầu của việc thực thi cam kết mà còn là vấn đề tự thân của hệ thống pháp luật Việt Nam đòi hỏi phải sớm hoàn thiện”, ông Phạm Mạnh Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, việc rà soát các quy định của TPP và pháp luật Việt Nam cần tập trung vào nguyên tắc mở cửa thị trường liên quan tới đầu tư nước ngoài, bởi hiện giữa các quy định trong cam kết và quy định của pháp luật, cũng như thực tiễn thi hành còn nhiều bất cập, không rõ ràng.
“Không ít quy định mang danh nghĩa rào cản kỹ thuật đã không còn phù hợp với quy định trong cam kết”, ông Dũng nói và nêu ví dụ về việc trong TPP cũng như Luật Đầu tư quy định “trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã được phép hoạt động trong những ngành, phân ngành mà không được quy định trong các cam kết WTO và các điều ước quốc tế khác và quy định Việt Nam cũng không quy định, nếu các ngành, phân ngành này đã được phép và được công bố trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư thì nhà đầu tư được phép thực hiện”.
Ngay cả khi Hiệp định chưa được thông qua, thì cũng cần phải rà soát lại các quy định còn trái hoặc chưa tương thích với cam kết.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có phân ngành nào được công bố trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, mặc dù có không ít nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong suốt hàng thập kỷ qua.
“Vấn đề đặt ra là có cần công bố trên cổng thông tin hay không? Việc công bố có phải là được phép không, điều gì xảy ra nếu không được công bố trên cổng thông tin? Việc áp dụng nguyên tắc MFN trong TPP và EVFTA sẽ như thế nào?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Một ví dụ khác, hiện có quá nhiều giấy phép và quy trình thẩm định việc lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
“Quy định của pháp luật Việt Nam là những cơ sở hoạt động từ 20 năm trở lên phải có cơ sở vật chất và phải được UBND tỉnh đồng ý về việc giao đất, cho thuê đất để đầu tư, trong khi thực tế nhà đầu tư rất khó tiếp cận quỹ đất này và cũng rất dễ đi thuê cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp khác để hoạt động”, ông Dũng nói và cho rằng, các điều kiện như vậy cũng thường gặp trong văn bản của các ngành và đó là rào cản không nhỏ cho hoạt động đầu tư nước ngoài.
“Những rào cản như vậy cần được rà soát và gỡ bỏ”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Cùng với đó, theo ông Dũng, cũng cần rà soát các cam kết Hiệp định TPP và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Lý do là vì, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
“Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cần phải có tính răn đe cao khi có vi phạm. Bộ luật Hình sự mới đã có các quy định về trách nhiệm hình sự do vi phạm về sở hữu trí tuệ. Vấn đề là nhận thức và quan tâm của các cơ quan tư pháp và cộng đồng về đấu tranh với vi phạm này còn thấp. Do vậy, để thực thi TPP, đề nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống tòa chuyên trách khu vực về sở hữu trí tuệ”, ông Dũng khuyến nghị.