Dự toán ngân sách năm 2022: Khéo co thì ấm?

0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều năm đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, đề xuất này đã được tiếp thu trong “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội”.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM

Mặc dù kết quả cuối cùng còn phải chờ Chính phủ trình Quốc hội thảo luận và quyết định, song điều này phần nào cho thấy sự nhìn nhận đúng mực hơn về vai trò đầu tàu của TP.HCM hoặc chí ít là những khó khăn mà TP.HCM đang gặp phải khi là địa phương tâm điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Từ 18% lên 21%, thay vì trở lại mức 23% như trước đây, dù sao cũng cho thấy sự cố gắng của Trung ương trong bối cảnh ngân sách quốc gia gặp nhiều khó khăn, buộc phải co kéo lên xuống hay qua lại chỗ này, chỗ khác.

Tăng thêm 3 điểm phần trăm, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng, nhiều hay ít do góc nhìn. Nếu xem đây là khoản chia sẻ mang tính hỗ trợ TP.HCM trong lúc khó khăn thì là rất lớn, còn nếu là khoản giúp TP.HCM có thêm nguồn lực để phát huy vai trò đầu tàu, thì chỉ như muối bỏ biển.

Khách quan mà nói, dù ít nhiều gì cũng giúp TP.HCM trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thêm nguồn lực để chi tiêu, hỗ trợ người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Điều này không chỉ mang lại tác động đối với bản thân TP.HCM, mà còn lan tỏa tích cực đến nhiều địa phương khác trong vùng, cũng như đóng góp vào sự phục hồi chung của cả nước.

Với quy mô kinh tế chiếm gần 23% GDP cả nước, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch sẽ tùy thuộc rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế TP.HCM cũng như các đầu tàu kinh tế khác. Không có giải pháp dễ và Chính phủ buộc phải lựa chọn: hoặc là bỏ tiền vào các đầu tàu kinh tế để thúc đẩy kinh tế sớm phục hồi, hoặc tiếp tục dàn trải nguồn lực cho tất cả. Nếu chọn phương án 2, kinh tế sẽ còn lâu mới phục hồi và như vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và phúc lợi tổng thể. Ngược lại, một số địa phương phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng một hai năm, nhưng khi kinh tế phục hồi tốt, tất cả đều hưởng lợi.

Đối với TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán năm 2022 đạt hơn 386.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 27,4% tổng thu cân đối ngân sách cả nước. Trong đó, hơn 42.500 tỷ đồng (chiếm 11%) là khoản thu TP.HCM được hưởng 100% theo Luật Ngân sách nhà nước 2015; 147.200 tỷ đồng (chiếm 38%) là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%; còn lại gần 51%, tương đương gần 200.000 tỷ đồng, là các khoản thu phân chia.

TP.HCM được chia 21% từ khoản thu 200.000 tỷ đồng này, tương đương 41.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi cân đối ngân sách TP.HCM từ hai khoản thu được hưởng 100% và khoản thu phân chia là hơn 84.000 tỷ đồng. Theo dự toán, TP.HCM cần tài trợ bội chi ngân sách gần 10.000 tỷ đồng, nâng tổng chi ngân sách lên khoảng 94.000 tỷ đồng, cao thứ 2 cả nước, nhưng chỉ tương đương 7% GRDP của TP.HCM.

Với Hà Nội, tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm từ 35% xuống 32%, nhưng vẫn lớn hơn nhiều so với 21% của TP.HCM. Điều này thể hiện ở con số chi ngân sách của TP.HCM thậm chí thấp hơn của Hà Nội (102.400 tỷ đồng, tương đương 10% GRDP của Hà Nội). Tuy nhiên, TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương đang đóng góp nguồn ngân sách lớn nhất cho cả nước.

Co kéo ngân sách

Có lập luận cho rằng, do khả năng thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở những địa phương này lớn, nên cần rút bớt nguồn lực nhà nước để tái phân phối cho các địa phương kém thuận lợi hơn. Quan điểm này không phải lúc nào cũng phù hợp, vì đối tượng, tính chất và mục đích của hai loại đầu tư này rất khác nhau. Vốn tư nhân không tự chảy vào các loại hình đầu tư thuộc về chức năng của nhà nước, nhất là đối với kết cấu hạ tầng có tính chất hàng hóa công cộng. Ngược lại, việc thiếu đầu tư trở lại từ nguồn thu thuế tại chỗ của nhà nước cho hạ tầng và nhiều nhu cầu vốn khác đã khiến sức cạnh tranh của các địa phương này và cũng là đại diện cho sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam bị suy yếu.

Nhìn bức tranh phân cấp ngân sách rộng hơn cho thấy nhiều địa phương khác cũng phải co kéo, trong đó có Hải Phòng (giảm tỷ lệ điều tiết từ 78% còn 70%), Quảng Ninh (65% còn 56%), Bà Rịa - Vũng Tàu (64% còn 56%), Bắc Ninh (83% còn 74%). Năm 2022 có thêm Hà Nam tham gia câu lạc bộ 17 địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương với tỷ lệ 9%.

Ngược lại, ngoài TP.HCM, nhiều địa phương do tình hình khó khăn nên cũng được đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, trong đó Khánh Hòa và Đà Nẵng có mức tăng cao nhất, lần lượt 26 và 23 điểm phần trăm.

Tính chung, cân đối ngân sách trung ương không bị ảnh hưởng, mà có sự tái cân đối ngân sách giữa các địa phương vùng động lực, trong khi ngân sách các địa phương còn lại nói chung đều được tịnh tiến, một phần nhờ trợ cấp chéo từ nguồn điều tiết của các địa phương động lực. Dường như với cách phân bổ ngân sách này, Chính phủ đã lựa chọn phương án hai như đã nói trên đây?

Có thể nói, cân đối ngân sách là một bài toán khó. Trong bối cảnh ngân sách càng eo hẹp, thì càng phải co kéo, như tục ngữ có câu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Nhiều địa phương thời gian qua đã cố gắng co đến mức không thể co thêm, song vẫn thấy không ít địa phương chưa thấy co.

Thiết nghĩ, các địa phương vùng động lực, trong đó có TP.HCM, có lẽ cũng khó trông chờ hơn ở Trung ương. Nếu không có tiền hỗ trợ thì cho cơ chế đặc thù vậy. Các địa phương này cần được phân cấp ngân sách một cách thực chất hơn, thay vì chỉ là phân cấp quản lý ngân sách, đặc biệt là các chính sách khơi thông nguồn thu từ các khoản thu địa phương được hưởng 100%, nhất là chính sách thuế nhà đất. Các khoản thu do Trung ương hưởng 100%, như thuế xuất nhập khẩu, cũng cần được chia sẻ lại một phần để đầu tư cho vùng có hạ tầng ngoại thương như cảng biển…

Tin bài liên quan