Quá trình đi lên của thị trường với sự luân chuyển của dòng tiền hiện nay có thể coi là một cuộc đua chạy tiếp sức.

Quá trình đi lên của thị trường với sự luân chuyển của dòng tiền hiện nay có thể coi là một cuộc đua chạy tiếp sức.

Dù thiết lập mặt bằng giá mới, nhưng nhiều nhóm ngành vẫn còn dư địa tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn đáng kể so với 3 tháng trước, nhưng không ít nhóm ngành vẫn còn dư địa tăng.

Dòng tiền luân chuyển tìm cơ hội

Sóng tăng kéo dài 3 tháng qua của VN-Index được giữ nhịp bởi dòng tiền phân bố khá đồng đều giữa các nhóm ngành, nhưng có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu xét theo giá trị vốn hóa.

Gần đây, một số cổ phiếu vốn hóa lớn thể hiện vai trò tích cực trong việc dẫn dắt chỉ số như HPG, VNM, FPT, GVR, MSN, VPB, MWG… Đây là diễn biến tích cực, bởi khi nhóm vốn hóa nhỏ đã tăng giá nhiều, dòng tiền thường có xu hướng tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, vốn có tính an toàn và thanh khoản cao hơn, giúp giảm nỗi lo về nguy cơ thị trường điều chỉnh sâu.

Đặc biệt, các cổ phiếu vốn hóa lớn có nhịp tăng tốt vừa qua đều xuất phát từ nền tích lũy chặt chẽ trong nhiều tháng trước. Vì vậy, quá trình đi lên của thị trường với sự luân chuyển của dòng tiền hiện nay có thể coi là một cuộc đua chạy tiếp sức.

Theo đó, những cổ phiếu tăng giá trên 50% trong 3 tháng qua coi như đã hoàn thành “sứ mệnh”, giá sẽ chững lại để xây nền giá mới. Còn các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, đang đi lên từ vùng tích lũy sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

“Trong tháng 8/2023, các dòng cổ phiếu nhiều khả năng sẽ dẫn dắt thị trường là dịch vụ tài chính, chứng khoán, bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp, lương thực, thực phẩm, nông sản, hóa chất, phân bón, dầu khí, thép, bán lẻ. Trong mỗi nhóm ngành, nhà đầu tư nên chọn một đại diện tiêu biểu nhất”, ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS chia sẻ.

Ở góc độ phân tích dòng tiền, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank dẫn chiếu số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, các quốc gia thuộc thị trường mới nổi ghi nhận dòng vốn vào ròng 99 tỷ USD, trong khi nửa cuối năm 2022 bị rút ròng 43 tỷ USD.

Việc thị trường mới nổi thu hút dòng tiền trở lại từ các quỹ đầu tư là nhờ đa số các nước đã sớm kiểm soát thành công lạm phát, tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, gần đây, dòng tiền vào thị trường mới nổi có dấu hiệu suy yếu vì ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu tiếp tục nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Môi trường lãi suất cao trong thời gian dài đã làm suy yếu sức mua.

Nhu cầu tại hai thị trường tiêu thụ chính sụt giảm, hoạt động xuất khẩu của các quốc gia thuộc thị trường mới nổi bị ảnh hưởng, khiến kinh tế phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, với chính sách tiền tệ ngược chiều nhau, chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia phát triển và thị trường mới nổi ngày càng nới rộng, gây áp lực mất giá lên đồng nội tệ của thị trường mới nổi.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào dòng tiền trong nước và có các yếu tố để kỳ vọng thu hút thêm dòng tiền. Thị trường đang mong chờ lãi suất điều hành sẽ có đợt giảm lần thứ năm, tín dụng được thúc đẩy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm…, giúp dòng tiền dồi dào hơn và tiếp tục dịch chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán.

Thị trường có thể kéo dài xu hướng tăng, nhưng do đã hấp thụ tốt làn sóng thông tin báo cáo tài chính quý II/2023 nên trong tháng 8 này, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu theo ngành có khả năng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Lựa chọn cổ phiếu theo nhóm ngành

Trong ngắn hạn, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kim Group cho rằng, khó có thể kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng mạnh như giai đoạn vừa qua, nhưng dư địa tăng vẫn còn. Dòng tiền thường chạy trước kỳ vọng, nên giá cổ phiếu sẽ chạy trước diễn biến thực tiễn của doanh nghiệp.

Nhìn về cơ hội cụ thể, nhóm bất động sản công nghiệp là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp không ít thách thức. Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư FDI cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký), tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022; vốn FDI trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực. Theo đó, các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn sẽ được hưởng lợi. Một số cổ phiếu điển hình trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là KBC, SZC, IDC.

Các dòng cổ phiếu nhiều khả năng sẽ dẫn dắt thị trường là dịch vụ tài chính, chứng khoán, bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp, lương thực, thực phẩm, nông sản, hóa chất, phân bón, dầu khí, thép, bán lẻ.

Nhóm vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ động thái đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong hai quý cuối năm 2023. Dòng tiền vốn chạy trước tìm cơ hội, nên dư địa tăng vẫn còn cho các cổ phiếu ngành này như KSB, DHA, VLB.

Với nhóm dầu khí, dù đã có một nhịp tăng khá ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp đầu ngành như PVS, PVD được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực khi nhu cầu về giàn khoan trên toàn cầu gia tăng.

“Đối với nhóm ngân hàng, mặc dù kết quả kinh doanh quý II/2023 ở một số ngân hàng có sự suy giảm so với cùng kỳ, nhưng tôi vẫn kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm nay và cả năm 2024 khi tín dụng được khơi thông sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại”, ông Trung nói.

Tuần qua, thị trường xuất hiện một số phiên điều chỉnh và có diễn biến giằng co. Theo đó, động thái chốt lời là phù hợp nếu giá cổ phiếu đạt ngưỡng biên trên và có thể mua lại khi giá điều chỉnh về biên dưới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung vẫn có xu hướng tăng, chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu tốt sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn, đặc biệt với những nhà đầu tư không thành thạo lướt sóng T+.

Để tối ưu hoá lợi nhuận, nhà đầu tư nên hoán đổi danh mục, bán những cổ phiếu có mức tăng yếu hơn thị trường và triển vọng kinh doanh cuối năm kém khả quan để tập trung vào những mã có dòng tiền mạnh, kết quả kinh doanh tốt nhưng chưa tăng nhiều, đồng thời giữ lại những mã duy trì được đà tăng giá.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Finpeace nhìn nhận, nhóm cổ phiếu chứng khoán có kết quả kinh doanh tương quan lớn nhất với biến động của thị trường chứng khoán. Khi thị trường tích cực, kết quả kinh doanh của nhóm này thường tăng trưởng tốt và ngược lại. Chuyển động của thị trường hiện tại đang ủng hộ cho nhóm ngành này. Kinh tế khó khăn, phần lớn các ngành, lĩnh vực có kết quả kinh doanh suy giảm, nhưng nhóm chứng khoán được dự báo ghi nhận lợi nhuận khả quan.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang cho thấy sự hấp dẫn trong định giá so với mặt bằng các doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch KRX của HOSE sắp đưa vào vận hành sẽ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán. Một số mã cổ phiếu đáng quan tâm là SSI, VCI, FTS, BSI.

Lưu ý, trong nhóm chứng khoán, nhà đầu tư nên thận trọng với cổ phiếu của các công ty đang nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp, vì đây là câu chuyện vẫn còn dấu hỏi liên quan đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Tin bài liên quan